Đình, chùa Khương Trung (10:40 24/08/2016)


HNP - Cụm di tích đình, chùa Khương Trung (thuộc phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong những di tích lịch sử văn hóa gắn với vùng đất diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc.

Tổng thể cụm di tích đình, chùa Khương Trung


Khương Trung xưa là một làng nằm ở ngoại thành Thăng Long, của vùng đất Tam Khương (ba làng Gừng) gồm Khương Thượng, Khương Trung, Khương Hạ, thuộc tổng Khương Đình. Từ thời Lý, nơi đây là một cứ điểm xung yếu phía Nam thành Đại La. Qua các thời Trần, Lê, Tây Sơn, hệ thống luỹ đất thường xuyên được gia cố ở khu vực này. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều chiến thắng lớn của quân dân ta hồi thế kỉ XV. Tháng 10/1426, khi nghĩa quân Lê Lợi vây Đông Quan, tướng nhà Minh là Viên Lượng mang quân giải vây, quân ta phục ở Nhân Mục tiêu diệt trên một nghìn quân giặc và bắt sống Viên Lượng. Tháng 11/1426, quân giặc đánh ra vùng Bình Đà (Thanh Oai), ta đã nhử giặc về phía Hà Đông, tiêu diệt hàng nghìn tên, bắt sống trên năm trăm tên. Trong chiến thắng Kỉ Dậu (1789), quân Tây Sơn đã phối hợp cùng dân binh vùng này diệt quân giặc ở vùng Đống Đa.

Đình Khương Trung là một trong những ngôi đình cổ của làng Gừng thờ hai võ tướng là Trần Minh và Trần Quang, quê Vĩnh Phú. Hai ông đã cùng vua Hùng thứ 18 đánh giặc bảo vệ đất nước, giúp dân Khương Trung làm ăn. Khi mất hai ông được thờ làm thành hoàng làng. Ngoài thờ hai ông, đình Khương Trung còn thờ mẹ con bà Hậu Tham, quê ở Nam Đàn, Nghệ An. Bà có tên thật là Trịnh Quý Thị, hiệu là Diệu Nhũ, đã có nhiều đóng góp xây dựng đình và chùa Khương Trung.

Theo truyền thuyết, thời vua Hùng 18 có hai võ tướng là Trần Minh và Trần Quang quê ở Phú Thọ, lúc ra đời có ánh hào quang phủ khắp người nên được đặt tên là Quang và Minh. Hai ông theo vua Hùng Duệ chống lại Thục Phán. Khi Thục Phán thu phục đất, có mời hai ông ra giúp nước. Tuy không thần phục Thục Phán song thấy nước nhà lâm nguy hai ông đã ra trận và chiến thắng. Khi chiến thắng trở về đi qua vùng Thanh Đàm, thấy cảnh đẹp thuận lợi việc làm ăn, hai ông dừng lại đó dựng nhà, cày ruộng, không ra làm quan cho Thục Phán. Về già khi hai ông mất, tự nhiên mối đùn lên thành gò. Tại đây dân làng xây hai ngôi miếu để thờ. Cứ đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch, dân làng tổ chức rước hai ông từ miếu về đình.

Đình Khương Trung xây trên nền đất cao, được thiết kế theo hình chữ “đinh” (丁), có nghi môn, đại đình và hậu cung. Cũng như đình ở các nơi khác, nghi môn là kiến trúc không thể thiếu được của đình. Trên đỉnh hai cột đồng trụ nghi môn có thượng cầm hạ thú, dưới cột hình Long, Ly, Quy, Phượng. Tiếp đó, qua sân gạch là đại đình, đại đình có năm gian, bên ngoài đại đình còn có một quả chuông, một chiếc trống và một tấm bia. Trên nóc đại đình được đắp hình rồng chầu mặt trời. Kết cấu nóc của gian giữa kiểu chồng rường, các vì bên làm kiểu giá chiêng, các bức cốn nách làm kiểu kẻ. Nhìn chung, đình không chạm trổ nhiều, thỉnh thoảng có điểm xuyết các môtíp đèn, sách, lộc bình, ngũ quả, đào, trúc… Hậu cung ba gian là nơi thờ chính hai vị thành hoàng làng, có long đình chạm trổ rất tinh xảo.

Các di vật trong đình còn lưu giữ được: hai sắc phong thời Lê (năm 1652) và Quang Trung (năm 1791), một thần phả, hai pho tượng thành hoàng, long ngai, bài vị, một kiệu long đình, hai bia, một bộ bát bửu, hoành phi.

Cùng trong cụm di tích, chùa Khương Trung nằm sát bên trái và thẳng hàng với đình. Trên Tam quan có bảng đề Khương Trung tự. Xung quanh các bờ mái của chùa đều có đắp trang trí hình vân triện, hoá rồng. Ngôi chùa chính hình “chuôi vồ”. Chùa gồm 3 gian 2 chái và 3 gian hậu cung. Kết cấu vì kèo kiểu chồng rường, cốn làm kiểu kẻ. Chùa Khương Trung trang trí không nhiều, song để làm tăng hiệu quả của kiến trúc người xưa đã chọn những hình hoa sen, hoa dây, vân xoắn để trang trí. Phần cốn mê của hậu cung được chạm hai hình rồng cùng mây cuộn dày đặc tạo nên tính nghệ thuật độc đáo của chùa.

Trong chùa còn lưu giữ một quả chuông cao 1,1m, rộng 0,4m, hai hoành phi, hai câu đối, 11 pho tượng, bức cửa võng chạm thủng tinh xảo. Các hiện vật còn lại trong chùa nhìn chung cũng đầy đủ so với những ngôi chùa khác, song các tượng được tạo tác khá muộn khoảng thế kỉ XIX.

Trong kháng chiến chống Pháp, sau trận đánh vào sân bay Bạch Mai đêm 17 rạng sáng ngày 18/1/1950, giặc Pháp đã phá huỷ đình - chùa Khương Trung. Đầu những năm 90 (thế kỷ XX), đình và chùa Khương Trung được xây dựng lại từ nguồn ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân phường Khương Trung.

Đình, chùa Khương Trung nằm sát nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh. Trải qua bao cuộc binh đao, hưng phế, người dân nơi đây ý thức rất rõ về công lao của các anh hùng có công với đất nước nên không ngừng giữ gìn, tôn tạo, tu bổ công trình ngày càng khang trang và to đẹp hơn.

Đình và chùa Khương Trung đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 16/12/1993.


Phương Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t