Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 27/11/2015 đến ngày 05/12/2015) (11:04 08/12/2015)



Những nội dung trọng tâm:

1. Thời sự, chính trị


Ngày 04/12, kỳ họp thứ 14 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIV đã chính thức bế mạc sau 4 ngày làm việc tích cực, đổi mới, với tinh thần trách nhiệm cao. Tại kỳ họp, ngoài việc xem xét các báo cáo theo luật, HĐND còn thông qua 18 Nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND TP; rà soát lại việc thực hiện kiến nghị của HĐND từ đầu nhiệm kỳ đến nay qua phần trả lời chất vấn của UBND và các sở, ngành Thành phố, đồng thời thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016 theo đúng quy định.

Qua các báo cáo, Đề án, Tờ trình của UBND Thành phố và các cơ quan liên quan, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, ý kiến thảo luận của đại biểu, HĐND TP thống nhất nhận định: Năm 2015, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao và toàn diện trên các mặt; đặc biệt, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 9,24% là mức tăng cao nhất trong 4 năm qua. Thành phố đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015 theo Nghị quyết của HĐND TP.

Tới dự và phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ Hà Nội đã đánh giá cao hoạt động của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ khóa XIV, có nhiều quyết sách quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của Thủ đô và cả nước. Đồng chí đề nghị, từ nay đến kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, HĐND TP cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị của Thành phố triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI ngay từ năm đầu, thiết thực chào mừng thành công các sự kiện chính trị lớn của đất nước sắp tới.

Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, việc HĐND Thành phố bầu đồng chí Nguyễn Đức Chung là Chủ tịch UBND Thành phố với số phiếu tín nhiệm cao đã thể hiện sự tin tưởng của cử tri và nhân dân Thủ đô vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Đảng bộ Thành phố, đồng thời cũng là sự gửi gắm niềm tin và đặt ra yêu cầu trách nhiệm cao đối với bộ máy lãnh đạo mới của Thành phố, trước hết là người đứng đầu UBND Thành phố. Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao sự gắn kết, kế thừa giữa các thế hệ lãnh đạo của Thủ đô cùng gánh vác trách nhiệm và công việc xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, trong đó có nỗ lực của đồng chí Nguyễn Thế Thảo trên cương vị Chủ tịch UBND Thành phố trong gần 2 nhiệm kỳ qua.

Thông tin về nội dung các ngày họp của kỳ họp thứ 14 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIV đã được các báo Trung ương và Hà Nội đăng tải đầy đủ trong tuần qua: Khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XIV (Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, Công lý, An ninh Thủ đô, 01/12), Chủ tịch Quốc hội: "Thăng Long, rồng phải bay lên thế nào trong thế kỷ tới?" (Infonet, 01/12), Kinh tế Hà Nội tăng trưởng khá (Lao động, 01/12), 6 nhóm chỉ tiêu kinh tế-xã hội Hà Nội không đạt kế hoạch (VOV, 1/12), Hà Nội phấn đấu năm tới đạt thu nhập bình quân đầu người 85-87 triệu đồng (Hà Nội mới, 1/12), Hà Nội dự toán thu ngân sách tăng 15,6% (Quân đội nhân dân, 02/12), Hà Nội đồng ý tăng mức học phí các cấp học công lập từ đầu năm 2016 (Infonet, 3/12), HĐND Thành phố Hà Nội chất vấn nhiều vấn đề nóng (Hà Nội mới, 3/12), Bế mạc kỳ họp 14 HDND TP Hà Nội (Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, An ninh Thủ đô, Lao động Thủ đô, 04/12).

Ngày 27/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.  Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội Thành phố trong việc thực hiện Chỉ thị 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Tại Hội nghị, 12 tập thể được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen và 8 tập thể nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an Nhân dân, 27/11).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội, trong tháng cuối năm 2015, nhiều dự án đất ở trên địa bàn Thành phố sẽ được đưa ra đấu giá quyền sử dụng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo kế hoạch đấu giá năm 2015 của thành phố. Tại quận Long Biên, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt giá khởi điểm làm cơ sở để đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở tại ô CT - 08A thuộc Dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm tại Khu đô thị mới Việt Hưng. Tại khu vực quận Hoàn Kiếm, 2 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại tầng 1 số nhà 7A phố Huế và tầng 1, 2 số nhà 32 phố Hàng Bồ cũng chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng. Thành phố Hà Nội sẽ đấu giá nhiều dự án đất trong tháng 12 (Hà Nội mới, 05/12).

Thống kê từ Cục Hải quan Hà Nội cho biết, trong 11 tháng năm 2015, số thuế thu được từ thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù tại ICD Mỹ Đình đạt 1.487,5 tỷ đồng. Theo Phó Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, sau hơn một năm áp dụng cơ chế thí điểm chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng, số lượng tờ khai, số lượng DN đến tìm hiểu và làm thủ tục ngày càng tăng. Từ đó, số thuế thu nộp NSNN từ cơ chế đặc thù cũng tăng lên rất nhiều. Thu gần 1.500 tỷ đồng từ cơ chế đặc thù tại ICD Mỹ Đình (Hải quan, 28/11).

Cục Thuế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 31/10/2015, sau 5 lần Cục Thuế Hà Nội công bố công khai doanh nghiệp nợ thuế, kết quả có 205/357 doanh nghiệp tự giác nộp hơn 1.261 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Theo kế hoạch, năm 2015, ngành thuế Thủ đô có chỉ tiêu thu ngân sách đạt 129.000 tỷ đồng. Trên 200 doanh nghiệp tự giác nộp thuế sau khi bị công khai nợ (VietnamPlus, 2/12)

Theo Ban Chỉ đạo 389/TP (trực thuộc UBND thành phố Hà Nội), lượng lưu chuyển hàng hoá trên thị trường những tháng cuối năm 2015 dự kiến sẽ tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân. Qua đó, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường để có các giải pháp xử lý với những tình huống có thể xảy ra. Hà Nội: Đốc thúc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại dịp tết (Hà Nội mới, 1/12)

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi tham gia giao thông trong Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và phục vụ đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản báo cáo một số giải pháp cụ thể nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Một số phương án được đưa ra như khôi phục lại nút đèn giao thông, bổ sung cụm đèn tín hiệu giao thông, mở rộng phạm vi cấm xe tải hoạt động trong giờ cao điểm sáng, chiều… Hà Nội: Bổ sung phương án chống ùn tắc giao thông (Hải quan 27/11)

Theo báo Tiền phong, hầu hết các xe và trạm trộn bê tông tại nội đô Hà Nội đều hoạt động không phép. Trên các tuyến phố cấm Hà Nội những ngày qua, tình trạng xe tải vi phạm vẫn diễn ra nhan nhản, đặc biệt là các xe bồn bê tông. Hầu hết các xe ở đây đều đeo logo: “Bê tông Việt Hàn”, “Bê tông Việt Đức”, “Delatam”, “Geleximco”, “An Phúc”, “Licogi12”, “Công ty 36”,… Mặc dù, theo chỉ đạo của Thành phố, từ tháng 7 các quận huyện có các trạm trộn bê tông hoạt động phải thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát và đóng cửa các trạm trộn bê tông không phép, trạm nằm trong khu vực các quận nội đô. Tuy nhiên, trạm trộn bê tông Sông Đà (xã Thanh Liệt, Thanh Trì), trạm trộn bê tông Việt Hàn (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) dù không có phép và đã bị xử phạt nhưng hiện vẫn hoạt động.  Xe “vua” và trạm trộn bê tông không phép: Cảnh sát và quận, huyện đang làm ngơ? (Tiền phong, 3/12)

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm pháp luật đối với khai thác cát lòng sông, sử dụng bến bãi trái phép trên địa bàn, UBND Thành phố đã yêu cầu các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng địa phương, tổ dân phố, người dân; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với những bãi chứa đang hoạt động không phù hợp với quy hoạch. Hà Nội kiên quyết xử lý nạn "cát tặc" sử dụng bến bãi trái phép (VietnamPlus, 3/12)./.

3. Văn hóa, Y tế và Giáo dục

Hà Nội vừa lọt top 50 điểm đến lý tưởng cho năm 2016 do Business Insider (Mỹ) lựa chọn. Xếp thứ 25, Hà Nội được báo Mỹ mô tả là một trong những thành phố du lịch có mức giá hợp lý nhất. Nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi khu phố cổ, các đền đài uy nghiêm trầm mặc, phố xá tấp nập và sự đa dạng văn hóa… Trong danh sách này còn có nhiều thành phố, thị trấn và điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới như thành phố Kyoto - cố đô Nhật Bản, Saint Petersburg ở Nga, Quebec ở Canada, thủ đô Budapest của Hungary, thủ phủ Havana của Cuba, núi Everest ở Nepal…Hà Nội lọt vào 'top 50 điểm đến năm 2016' (Đại đoàn kết, 05/12).

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến 30/9/2015, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn Thành phố là 18.320 người, trong đó có 8.529 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS là 294 người/100.000 dân. 100% quận, huyện, thị xã có người nhiễm HIV; 548/584 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (chiếm 93,3%). Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12, vào tối ngày 3/12, Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội đã tổ chức sự kiện “Vòng tay nhân ái” nhằm huy động cộng đồng hỗ trợ, sẻ chia với trẻ em nhiễm, trẻ ảnh hưởng bởi HIV và người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS (Lao động Thủ đô, 04/12).

Liên quan đến việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo y khoa, dược học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo Bộ GD & ĐT, Bộ Y tế kiểm tra việc mở ngành y, dược tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Theo đó, việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành y tế nói chung, đào tạo bác sỹ, dược sỹ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là yêu cầu, tiêu chí hàng đầu. Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc mở ngành y, dược tại ĐH KD&CN (Công an nhân dân, 02/12).

Ngày 2/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục công lập trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 1-1-2016, Hà Nội sẽ thu học phí mức 60.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực thành thị (tăng 20.000 đồng/tháng), 30.000 đồng/học sinh/tháng với khu vực nông thôn (tăng 10.000 đồng/tháng) và 8.000 đồng/học sinh/tháng với khu vực miền núi (khu vực này trước đây không thu học phí). Đây là mức thu thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ tại Nghị định số 86/2015. Theo Trưởng ban VH-XH của HĐND TP Hà Nội, mức tăng học phí bằng mức tối thiểu trong khung học phí của Chính phủ không gây đột biến, phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng chi trả của người dân. Hà Nội tăng học phí 10.000-20.000 đồng/tháng (Pháp luật VN, 03/12).

4. Thông tin của Thành phố phản hồi trên báo chí

Ngày 18/11/2015, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản trả lời báo Công lý về việc xếp hạng di tích đền Lương Sử thuộc phường Văn Chương (quận Đống Đa) đã được nêu trong bài viết "Hà Nội ngôi đền gần 1.000 tuổi vẫn chưa được công nhận là di tích", đăng trên báo Công lý ra ngày 30/10/2014. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, ngày 05/6/2015, Ban Quản lý di tích danh thắng Thành phố đã có văn bản về việc lập hồ sơ xếp hạng di tích đền Lương Sử trong năm 2015, trong đó đã phân công cán bộ lập hồ sơ xếp hạng. Hiện hồ sơ xếp hạng di tích đã hoàn thiện các thành phần theo quy định, dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thông qua hồ sơ trình xếp hạng trong năm 2015.

Trả lời thông tin về phản ánh của người dân tại Chung cư 04, phố Đỗ Nhuận (quận Bắc Từ Liêm) về giá điện ở đây không lũy tiến bậc thang theo quy định (đăng trên báo Hà Nội mới ngày 13/10/2015) và thông tin "Hàng trăm cột điện...dưới lòng đường tại quận Hà Đông" (đăng trên báo Kinh tế và Đô thị ngày 13/10/2015), ngày 24/11/2015, Sở Công thương Hà Nội đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông về việc trả lời thông tin báo chí phản ánh về hai nội dung nêu trên. Theo đó, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan là Công ty điện lực Bắc Từ Liêm và UBND quận Hà Đông để kiểm tra và giải quyết các nội dung trên.

Sở Xây dựng vừa đề nghị quận Ba Đình yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực khẩn trương bổ sung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh việc phá dỡ; chỉ đạo nhà thầu khẩn trương lắp giàn giáo, hệ thống bao che công trình đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường.

Trước thông tin tại khu vực đường Bưởi (phường Quan Hoa, Cầu Giấy), từ ngày 29/11 có gần chục cây xà cừ cổ thụ (tuổi đời 50-60 năm) đã bị chặt hạ, Ban Quản lý dự án Đầu tư Phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, việc chặt hạ số cây xanh nêu trên là bất khả kháng do các cây nằm trong chỉ giới đường đỏ công trình đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy. Số cây này đã được Sở Xây dựng cấp phép và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đang tiến hành chặt hạ. Để đảm bảo thông xe tuyến chính trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, theo Ban Quản lý dự án Đầu tư Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, trên tuyến Vành đai 2 đoạn qua đường Láng còn khoảng 20 cây xà cừ cũng cần được chặt hạ để thi công tường chắn và đường dẫn đầu cầu của cầu vượt Cầu Giấy. Hà Nội: Hàng chục cây xà cừ cổ thụ lại được chặt hạ để làm đường (2/12).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t