Mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng (22:08 20/06/2018)


HNP - Chiều 20/6, Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội đã khảo sát tại Sở Giao thông Vận tải về việc thực hiện Đề án phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố.

Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân phát biểu kết luận buổi giám sát


Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội: Tính đến tháng 5/2018, trên địa bàn TP có 111 tuyến xe buýt, trong đó, 92 tuyến buýt trợ giá; 09 tuyến buýt không trợ giá; 10 tuyến buýt kế cận. Trong 92 tuyến trợ giá có 76 tuyến đặt hàng, 14 tuyến đấu thầu, 02 tuyến đang vận hành thí điểm. Mạng lưới xe buýt hiện đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã tương ứng với 411/584 xã phường, đạt 70,4% độ bao phủ trên địa bàn Thành phố, kết nối cơ bản tới các khu đô thị, các cụm dân cư, bệnh viện, trường học và các cụm công nghiệp.
 
Thực hiện Đề án phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố, từ năm 2012 đến hết quý I/ 2018, Sở Giao thông vận tải Hà Nội mở mới 31 tuyến buýt và 16 nhánh tuyến, nâng tổng số tuyến buýt từ 67 tuyến năm 2012 lên 92 tuyến năm 2018 (tăng 37,3%). Đặc biệt, từ ngày 01/01/2017, Thành phố đã chính thức đưa vào vận hành tuyến buýt BRT01: Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã, một loại hình buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, đã được nhân dân ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao.
 
Hiện nay, việc thực hiện Đề án còn gặp một số hạn chế như: Kết cấu mạng lưới chưa mạch lạc chưa phân cấp hợp lý, một số đoạn tuyến tỉ lệ trùng tuyến còn khá cao. Trong mạng lưới còn thiếu các loại hình tuyến buýt gom, chuyển trong nội bộ mạng, còn tồn tại loại hình một tuyến chính có nhiều tuyến nhánh. Mật độ của mạng lưới phân bố không đều, mức độ bao phủ tại các khu phố cũ, phố cổ ở nội thành, các khu đô thị mới, các xã huyện xa trung tâm còn hạn chế. Hiện nay, xe buýt tập trung ở khu vực nội đô nhưng chủ yếu các trục phố chính và khu vực phía Đông Thành phố. Mạng lưới còn khá mỏng ở khu vực ngoại thành phía Tây Thành phố.
 
Về hệ thống hạ tầng xe buýt hiện còn nhiều bất cập, chưa tạo được điểm nhấn về mỹ quan đô thị, chưa có hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn và quy chuẩn về quản lý, chưa được thiết kế đồng nhất. Tính đến năm 2018, toàn thành phố có trên 3.000 điểm dừng xe buýt, tuy nhiên, chỉ có 370 điểm dừng bố trí nhà chờ xe buýt phục vụ hành khách, chỉ chiếm 12% tổng số điểm dừng, một số nhà chờ đã xuống cấp cả về kỹ thuật và mỹ quan. Toàn thành phố hiện có 96 điểm đầu cuối xe buýt thì đến trên 60% điểm đầu cuối (59 điểm) hiện nay là các vị trí đỗ tạm lề đường, bãi đất trống không có quy hoạch và không đảm bảo tính ổn định, có nguy cơ phải di chuyển do thi công dự án hoặc mục đích khác. Có 5 điểm trung chuyển hoạt động hiệu quả tuy nhiên hệ thống thông tin dịch vụ còn thiếu, sơ sài, lạc hậu.
 
Hầu hết các phương tiện xe buýt Hà Nội hiện tại đều sử dụng nhiên hóa thạch (diesel) và chưa thân thiện (hộp số cơ khí, sàn cao). Việc sử dụng các phương tiện hiện tại dẫn tới một số hệ lụy như: Lượng khí phát xả vào môi trường cao, gia tăng cường độ lao động của nhân viên lái xe, không nhanh chóng thuận tiện, an toàn cho hành khách lên xuống xe (do sàn xe cao).
 
Về công tác quản lý, Hệ thống thông tin quản lý đã hình thành nhưng đang ở trình độ công nghệ thấp, các ứng dụng công nghệ trong quản lý đã được triển khai nhưng khá phân tán, hệ thống chưa có một kiến trúc thống nhất và chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tiên tiến phục vụ cho công tác quản lý điều hành. 
 
Để tiếp tục phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút được người dân sử dụng dịch vụ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, Sở GTVT kiến nghị HĐND TP sửa đổi Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của HĐND Thành phố về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. 
 
Đề nghị UBND Thành phố tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách trợ giá nhằm đảm bảo ổn định về an sinh xã hội, thúc đẩy hệ thống VTHKCC trong Thành phố phát triển, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Bố trí ổn định và đủ nguồn kinh phí trợ giá hàng năm cho phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn 2016-2020 theo như trong Đề án. Ban hành cơ chế chính sách: Khuyến khích đổi mới, đầu tư phương tiện theo hướng hiện đại hóa và phương tiện có mức phát thải đạt tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5, sử dụng nhiên liệu sạch; Hỗ trợ, khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội…
 
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân đánh giá cao việc nghiêm túc thực hiện Đề án của Sở GTVT Hà Nội qua đó đã thu được nhiều kết quả như mạng lưới được mở rộng, phân bố hợp lý; chất lượng đoàn phương tiện được quan tâm đầu tư; việc điều hành được áp dụng CNTT tạo thuận lợi cho việc phát triển, quản lý hệ thống…
 
Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân cũng ghi nhận những kiến nghị của Sở GTVT Hà Nội. Đồng thời, đề nghị Sở cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của Đề án. Rà soát, có chính sách khắc phục các hạn chế về mạng lưới tuyến, ngoài việc mở rộng mạng lưới cần quan tâm đến việc kết nối các tuyến, kết nối các khu dân cư, khu công nghiệp. Vấn đề xây dựng hạ tầng, tăng điểm dừng đỗ là rất quan trọng, cần phải đẩy mạnh, nhất là việc huy động XHH vào đầu tư các điểm dừng đỗ để tạo hạ tầng tốt nhất cho người chờ xe buýt. Bên cạnh đó, Sở GTVT và các công ty cần có kế hoạch để tăng sản lượng vận chuyển trong năm 2018, góp phần giảm tải ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t