Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng (15:54 19/06/2018)


HNP - Sáng 19/6, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã khảo sát Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.

Đoàn khảo sát thăm Trung tâm điều hành xe buýt


Báo cáo với đoàn khảo sát, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Công Nhật cho biết: Tổng Công ty Vận tải Hà Nội hiện có 8 đơn vị buýt trực thuộc và 3 công ty cổ phần thực hiện vận hành 75/92 tuyến buýt nội đô, chiếm 81,5% tổng số tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội. Năm 2017, toàn Tổng Công ty đã thực hiện vận chuyển 321,8 triệu hành khách và 4 tháng đầu năm 2018 vận chuyển 114,2 triệu hành khách.

Về triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”, đến hết năm 2017, Tổng Công ty đã tăng tần suất 4 tuyến buýt kết nối bến phục vụ cho nhu cầu của hành khách tại các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình; điều chỉnh vận hành 8 tuyến buýt khi tuyến BRT01 đi vào hoạt động; điều chỉnh lộ trình và điểm đầu cuối 28 tuyến để hợp lý hóa và tăng tính kết nối của mạng lưới xe buýt theo kế hoạch của Đề án. Đồng thời, Tổng Công ty đã đưa vào vận hành 1 tuyến buýt nhanh BRT và mở mới thêm 17 tuyến buýt mới.

Việc mở mới các tuyến buýt trong năm 2016, 2017 và đầu năm 2018 đã góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng buýt, mở rộng vùng phục vụ đến toàn bộ 30 quận huyện của Hà Nội không còn vùng trắng xe buýt, đáp ứng thiết thực nhu cầu đi lại của nhân dân các khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô.

Trong công tác điều hành và công nghệ phục vụ quản lý điều hành, Tổng Công ty đã thực hiện đầu tư, nâng cấp Trung tâm điều hành xe buýt thông minh, là đầu não điều hành mọi hoạt động các tuyến buýt của Tổng Công ty với hơn 1.200 phương tiện, kịp thời giám sát, điều hành, xử lý điều chỉnh lộ trình khi xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến nhằm đảm bảo dịch vụ đã công bố với hành khách.

Tổng Công ty đã chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tiện ích cho hành khách. Cụ thể, đã triển khai làm thẻ vé tháng online trên phần mềm tìm buýt (timbus) và trả thẻ, giao tem tại nhà cho hành khách có nhu cầu. Ngoài ra, nâng cấp ứng dụng timbus đưa lên kho ứng dụng phục vụ hành khách tra cứu thông tin, tìm lộ trình thích hợp và theo dõi xe từ xa tới các điểm dừng. Hiện tại, có hơn 240.000 người cài đặt phần mềm trên điện thoại, bình quân mỗi ngày có hơn 550 nghìn lượt truy cập sử dụng phần mềm. Tổng Công ty cũng đã triển khai hệ thống wifi miễn phí trên 580 xe của 38 tuyến và trang bị hệ thống bảng điện tử Led hiển thị thông tin tuyến trên 980 xe/78 tuyến để tăng cường cung cấp thông tin cho hành khách.

Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân kết luận buổi khảo sát

Hiệu quả của hoạt động vận tải hành khách công cộng rất rõ, nhưng Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Công Nhật cũng cho biết, dịch vụ mạng lưới dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ của người dân; hạ tầng, luồng tuyến thường xuyên bị xáo trộn, ảnh hưởng tính kết nối giữa các tuyến. Quỹ đất dành cho cơ sở hạ tầng xe buýt còn thiếu và không đảm bảo điều kiện khai thác, do đó, việc phát triển các hạ tầng tiêu chuẩn như điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, làn đường dành riêng gặp nhất nhiều khó khăn, các vị trí điểm đầu cuối các tuyến đa số chưa có quy hoạch đang đặt tại lề đường, bãi trống chưa ổn định.

Ngoài ra, phương tiện cá nhân đang có tốc độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là xe đạp điện, xe máy điện, loại hình taxi uber, grap… với giá rẻ nên có sức hấp dẫn, cạnh tranh mạnh với xe buýt nhất là chuyến đi cự ly ngắn là một trong những nguyên nhân làm giảm sản lượng hành khách đi xe buýt.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội kiến nghị thành phố cho phép mở mới 14 tuyến buýt theo kế hoạch năm 2018 đã đề xuất, đồng thời, tăng tần suất trên các tuyến trục hiện đang quá tải để đảm bảo chất lượng dịch vụ và thu hút thêm hành khách. Ngoài ra, cần đầu tư đường dành riêng và tổ chức giao thông ưu tiên cho xe buýt, bởi đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện được mục tiêu thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng khi di chuyển bằng xe buýt phải đảm bảo nhanh hơn phương tiện cá nhân.

Kết luận buổi khảo sát, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân đánh giá: Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc chủ trương đẩy mạnh hoạt động vận tải hành khách công cộng và ghi nhận, Tổng Công ty Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nhấn mạnh về chủ trương ưu tiên, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của nhân dân của HĐND TP, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân đề nghị Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, rà soát lại toàn bộ các nội dung của đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”, đánh giá kỹ thực trạng, dự báo những vấn đề đặt ra đến năm 2025 để triển khai đề án một cách hiệu quả. Đồng thời, gắn thực hiện đề án với Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND TP về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng với đó, Tổng Công ty cần tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý, ứng dụng mạnh CNTT, phải tiến tới kết nối trung tâm điều hành giao thông với trung tâm điều hành xe buýt.


Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t