Cần đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội (16:13 16/06/2018)


HNP - Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP vừa có Báo cáo số 24/BC-HĐND về kết quả khảo sát tình hình công tác tổ chức và hoạt động tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

Qua khảo sát cho thấy, tính đến ngày 30/4/2018, Trung tâm có 188 cán bộ, viên chức, lao động, 05 Trạm cấp cứu khu vực, 14 kíp làm việc thường trực cấp cứu 24/24 giờ (cả ngày lễ và ngày Tết); 21 xe ô tô cứu thương sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp cứu trước bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hoạt động cấp cứu, vận chuyển cấp cứu của Trung tâm tăng lên qua các năm, cụ thể: Năm 2014 là 29.207 chuyến; năm 2016 là 34.629 chuyến; năm 2017 là 35.364 chuyến (tăng 6.157 chuyến so với năm 2014). Trung tâm phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tham gia thu gom, vận chuyển người bệnh tâm thần, lang thang, người ốm yếu suy kiệt trên địa bàn thành phố đến các bệnh viện tâm thần và các trung tâm bảo trợ xã hội, các bệnh viện thuộc thành phố Hà Nội để tiếp tục điều trị, quản lý (Năm 2014: 1.420 bệnh nhân; năm 2015: 1.788 bệnh nhân; năm 2016: 1.204 bệnh nhân; năm 2017: 805 bệnh nhân và quý I/2018: 415 bệnh nhân)...

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ của Trung tâm còn hạn chế chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế; nhiều bác sĩ của Trung tâm thôi việc hoặc chuyển công tác khác (mới có 28/42 bác sĩ), từ năm 2015 đến nay, đã có 5 bác sĩ thôi việc, 2 người chuyển công tác, 10 điều dưỡng xin thôi việc, dẫn đến nguồn nhân lực bị thiếu hụt trầm trọng; theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, cứ 1 triệu dân thì cần có 15 xe cấp cứu, như vậy, Hà Nội cần tối thiểu 100 xe cấp cứu. Tuy nhiên, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội mới chỉ có 21 xe cấp cứu (đáp ứng 1/5 về số lượng xe cấp cứu) phục vụ cho gần 10 triệu dân Thủ đô mỗi ngày, cho thấy những áp lực và khó khăn rất lớn đối với lực lượng 115 Hà Nội trong công tác cấp cứu trước bệnh viện; cơ sở vật chất của Trung tâm Cấp cứu 115 và một số trạm xuống cấp nghiêm trọng (Trạm Thanh Trì); trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh đã cũ, lạc hậu, bị hỏng, không có khả năng sửa chữa, thay thế; các thiết bị trang bị cho bộ phận điều phối thông tin và điều hành cấp cứu còn đơn giản, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ trong các kíp cấp cứu 115 chưa được quan tâm. Các cán bộ của các kíp cấp cứu có lúc phải đối mặt với những nguy hiểm đến tính mạng khi gặp phải các đối tượng ngáo đá, say rượu hoặc sự bức xúc của người nhà bệnh nhân khi xe cấp cứu đến chậm. Nhiều cuộc gọi đến Trung tâm không có thật chỉ mang tính trêu đùa hoặc quấy rối, số chuyến đi về không tăng lên hàng năm, năm 2015 là 10.251 chuyến (chiếm 32,63%); năm 2016 là 11.896 chuyến (chiếm 34,35%), riêng quý I/2018 là 2.648 chuyến (chiếm 26,33%)...

Nguyên nhân, do mức lương và thu nhập của công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm còn thấp, chưa tương xứng với công sức làm việc, trung bình khoảng 6.800.000 đồng/tháng (trong đó: lương trung bình: 3.400.000đ/tháng); thu nhập tăng thêm của cán bộ viên chức, người lao động chỉ đạt 200.000đ/tháng dẫn đến việc thu hút, tuyển dụng nhân lực của Trung tâm rất khó khăn, đặc biệt là việc tuyển dụng bác sĩ kíp Trưởng. Các dịch vụ cấp cứu trước bệnh viện chưa được thanh toán BHYT; nhiều chuyến đi miễn phí hoặc không được người bệnh chi trả (tỷ lệ thất thu cao 35,35%, có ngày lên đến 50%) ảnh hưởng đến nguồn thu của Trung tâm...

Qua kết quả khảo sát, Ban Văn hóa Xã hội kiến nghị với UBND Thành phố xem xét, cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ cho Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội sửa chữa trụ sở, mua sắm trang thiết bị, phương tiện để phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ được Thành phố giao. Quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn cho các kíp cấp cứu trước bệnh viện khi thực hiện nhiệm vụ. Có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, người lao động để họ yên tâm công tác. Nghiên cứu mở rộng thêm các trạm cấp cứu vệ tinh, (xem xét mở rộng ra các bệnh viện tư nhân tham gia và kết nối vào hệ thống cấp cứu 115 và các đội cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện dưới sự điều phối cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội); có chính sách để thu hút nhân lực về công tác tại Trung tâm, hạn chế việc cán bộ, bác sĩ không tha thiết lâu dài với công việc.

Đối với Sở Y tế, tham mưu cho Thành phố xây dựng Đề án tổng thể phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm về cấp cứu 115; có chính sách thu hút nhân lực về công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115; mở rộng thêm các trạm cấp cứu; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cấp cứu của các Công ty tư nhân...

Đối với Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về Trung tâm cấp cứu 115, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự tín nhiệm của người dân đối với Trung tâm 115 và các trạm vệ tinh; liên kết với các bệnh viện để phát triển thêm các trạm cấp cứu 115; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Trung tâm với các bệnh viện trong cấp cứu trước bệnh viện để kịp thời cấp cứu người bệnh...


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t