Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với thành phố Hà Nội về thực hiện Luật Thủ đô (20:39 15/06/2018)


HNP - Chiều 15/6, đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với thành phố Hà Nội về công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và việc thực hiện quy định về quản lý dân cư tại điều 19 Luật Thủ đô. Tiếp đoàn giám sát có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn và lãnh đạo các sở, ngành liên quan của thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị


Báo cáo với đoàn giám sát, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết: Sau gần 5 năm thi hành Luật Thủ đô, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố Hà Nội nhìn chung đã đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ theo kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến 31/12/2017, thành phố Hà Nội đã ban hành 16 nghị quyết, 03 quyết định quy định chi tiết Luật Thủ đô. Nội dung các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền thành phố ban hành đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với quy định của Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Các văn bản cũng thường xuyên được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trong việc thực hiện quy định về quản lý dân cư tại điều 19 của Luật Thủ đô, qua công tác tổng kiểm tra hộ khẩu năm 2017, toàn thành phố có 2.059.885 hộ với 7.415.176 nhân khẩu, so với kết quả tổng kiểm tra hộ khẩu năm 2013 tăng 174.761 hộ với 144.553 nhân khẩu; mật độ dân số trung bình của toàn thành phố là 2.213 người/km2, phân bố không đều, tập trung nhiều ở các quận nội thành. Tốc độ tăng dân số trong những năm gần đây khoảng trên 200.000 người/năm, chủ yếu là tăng cơ học khoảng 70%.

Sau khi HĐND TP thông qua nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về quy định diện tích bình quân đối với nhà cho thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành thành phố Hà Nội, cụ thể diện tích bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú đến hết năm 2015 tối thiểu là 15m2 sàn/đầu người, quy định này được kéo dài đến năm 2020. Việc thực hiện nghị quyết tại 12 quận đã giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội.

Về những tồn tại, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho rằng, quy định tại khoản 4 Điều 19 mới đặt ra điều kiện được đăng ký hộ khẩu của khu vực nội thành, còn việc đăng ký tạm trú vẫn được thực hiện theo quy định của Luật Cư trú mà không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cư trú còn nhẹ, mức phạt tiền thấp, không có tính răn đe. Do vậy, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn tiếp diễn.

Trước những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô. Cụ thể, quy định nhằm bảo đảm mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp đặc điểm, tình hình của Thủ đô Hà Nội theo tinh thần của Điều 111 Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 11-NQ/TW. Sửa đổi khoản 3 điều 12 của Luật Thủ đô về xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ công của công dân, chất lượng đào tạo được các nước trong khu vực và quốc tế công nhận; áp dụng cơ chế quản lý của chính quyền đô thị tại đơn vị hành chính đã được quy hoạch là thành phố vệ tinh tại Thủ đô,…

Trong việc thực hiện quy định về quản lý dân cư, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký và quản lý cư trú tại điều 8 Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô để phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch Vùng Thủ đô nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân cư.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, việc di dân trong nội đô ra ngoại thành gặp nhiều khó khăn về cả nguồn lực và tâm lý dân không muốn di dời. Thành phố đang tính toán hợp lý để dân số nội đô không tăng. Liên quan đến việc thí điểm chính quyền đô thị mà thành phố Hà Nội đang xây dựng đề án, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Quốc hội tiếp tục tạo điều kiện để phát triển Thủ đô. Đối với các vấn đề thành viên đoàn giám sát nêu, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn tiếp thu để nghiên cứu, giải quyết.

Kết luận buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô và khẳng định, Hà Nội trong những năm qua phát triển nổi bật về mọi mặt, vươn lên tầm thế giới. Trưởng đoàn giám sát đề nghị thành phố Hà Nội xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế để từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô.


Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t