Thiếu công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới (18:51 15/06/2018)


HNP - Sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị mới, khu nhà ở cao tầng đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô, tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại... Song, một số khu đô thị, chủ đầu tư không thực hiện xây dựng công trình hạ tầng xã hội; chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật chính quyền quản lý theo phân cấp, gây khó khăn trong quản lý, duy trì, sửa chữa, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Thiếu hạ tầng đồng bộ

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai, có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học) so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án. Quận Nam Từ Liêm là đơn vị có nhiều dự án nhất gồm: Khu đô thị mới Phùng Khoang; Khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì bán cho cán bộ Đài tiếng nói Việt Nam; Dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương; Khu đô thị thành phố giao lưu; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao; Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế; Khu nhà ở để bán Quang Minh. Số còn lại thuộc các huyện Hoài Đức (Khu đô thị Lê Trọng Tấn-Geleximco, Khu đô thị mới Vân Canh); quận Hoàng Mai (Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu chức năng đô thị Ao Sào); huyện Thanh Trì (Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Cầu Bươu); quận Long Biên (Dự án Khu nhà ở Thạch Bàn); huyện Gia Lâm (Dự án khu đô thị mới Đặng Xá).

Không chỉ có vậy, khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, trong 78 dự trong khu đô mới đã đưa vào sử dụng, chỉ có 36 dự án được đầu tư xây dựng đảm bảo đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; còn lại các các dự án có quy hoạch hạ tầng xã hội, nhưng chậm triển khai. Cụ thể Khu đô thị Văn Phú còn 1 trường THCS, 1 trường tiểu học đang được đầu tư xây dựng; Khu đô thị Đặng Xá còn 1 trường mầm non, 1 trường Tiểu học, 1 trường Trung học cơ sở chưa được triển khai đầu tư xây dựng; Khu nhà ở 136 Hồ Tùng Mậu GoldMark City còn 1 trường tiểu học liên cấp và THCS đang triển khai xây dựng; Dự án Tây Nam Linh Đàm chưa xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS. Ngoài ra, ở một số khu đô thị đã xây dựng công trình hạ tầng xã hội, nhưng quy mô các công trình còn nhỏ so với quy mô dân số…

Chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật

Hiện nay, không chỉ thiếu hạ tầng xã hội, tại một số khu đô thị mới, tuyến đường mới chủ đầu tư chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc chưa khớp nối đồng bộ hạ tầng, dẫn đến việc quản lý các khu dân cư của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập, công trình xuống cấp người dân phản ánh. Đơn cử như Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), thường xuyên bị ngập úng khi mưa, ùn tắc giao thông, đường xuống cấp. Nguyên nhân do chưa thể kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật vì các tuyến đường ngoài phạm vi khu đô thị chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch. Tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đã hoàn thành gần 2 năm, một số hạng mục công trình gồm đường giao thông, tổ chức giao thông đang xuống cấp nhưng vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị nào quản lý. Sau khi cử tri kiến nghị, mới đây, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải giao cho Công ty cổ phần công trình giao thông 2 Hà Nội quản lý, kiểm tra đề xuất xử lý nội dung cử tri phản ánh.

Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, do quyết định phê duyệt đầu tư chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng xã hội, dẫn đến một số chủ đầu tư bỏ hoang đất, hoặc có thực hiện nhưng tiến độ chậm. Mặt khác, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội lợi nhuận thấp, các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn chậm, chưa cụ thể dẫn đến các chủ đầu tư ít đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị mới. Nhiều dự án, tình trạng người mua nhà để đầu tư, đầu cơ, vì vậy khi nhận nhà không đưa vào sử dụng ngay dẫn đến khi xây dựng xong nhà trẻ, trường học không đủ học sinh, các chủ đầu tư xây dựng một cách cầm chừng. Đáng lưu ý, một số chủ đầu tư chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến việc khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khó khăn, người dân bức xúc khi sự cố ngập úng, ùn tắc…

Trước những thực trạng về đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành. Đối với các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, UBND thành phố cần thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Các sở, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất với UBND thành phố phương án xử lý đối với công trình hạ tầng xã hội không triển khai hoặc chậm tiến độ nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng.

Hiện nay, Sở Xây dựng đang rà soát lại các khu đô thị, chỉ rõ số khu đô thị đã xây dựng hạ tầng xã hội, bao nhiêu khu chưa xây dựng hạ tầng xã hội. Đồng thời, đề xuất giải pháp xử lý đối với những khu đô thị đã đi vào hoạt động nhưng chưa bố trí xây dựng trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác như: vườn hoa, cây xanh, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t