Quận Long Biên: Hoạt động bổ trợ tư pháp thiết thực, hiệu quả (14:05 23/05/2018)


HNP - Sáng 23/5, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam chủ trì buổi giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác bổ trợ tư pháp tại quận Long Biên.


Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận Đinh Thị Thu Hương cho biết, công tác bổ trợ tư pháp luôn được quận quan tâm chỉ đạo triển khai, làm giảm những tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân; kiểm chế gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Năm 2017, quận đã tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 2.047 lượt người ở cấp quận và 89 hội nghị với 17.088 lượt người ở cấp phường. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên Cổng Thông tin điện tử của quận, phường; hệ thống truyền thanh; văn hóa, văn nghệ; hội thảo; tọa đàm; sân khấu; tuyên truyền trực quan…

Quận cũng thường xuyên củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải, tính đến hết năm 2017, trên địa bàn quận có 298 tổ hòa giải với 1.872 hòa giải viên. Quận thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật cho các hòa giải viên, trang bị sổ ghi chép, hướng dẫn tổng hợp báo cáo, lập biên bản cho các tổ hòa giải. Năm 2017, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 116 vụ việc, tỷ lệ đạt 92,5%.

Theo Bí thư Quận ủy Đỗ Mạnh Hải, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của quận được thực hiện bằng những hình thức hết sức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, trúng trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả. Đặc biệt, quận ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn người dân truy cập vào các địa chỉ thông tin về pháp luật. Cùng với đó, quận đang triển khai cuộc thi tìm hiểu về dịch công trực tuyến mức 3, 4 trong học sinh, đây là đối tượng giúp lan tỏa việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách nhanh chóng nhất tới từng hộ gia đình.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đinh Thị Thu Hương, khó khăn trong công tác bổ trợ tư pháp là hầu hết báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải còn kiêm nhiệm nhiều chức danh, thời gian nghiên cứu văn bản pháp luật còn ít, một số báo cáo viên và đặc biệt là tuyên truyền viên ở cơ sở thì năng lực, kỹ năng truyền đạt còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc khai thác tủ sách pháp luật còn chưa hiệu quả vì thực tế hiện nay trên địa bàn quận hạ tầng CNTT phát triển tốt nên truy cập bằng máy tính và điện thoại thông minh thường xuyên, hạn chế sử dụng tủ sách pháp luật.

Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam đánh giá cao kết quả hoạt động bổ trợ tư pháp của quận Long Biên. Trong đó, các hình thức tuyên truyền đầy đủ, nội dung phong phú, sâu rộng, lựa chọn đối tượng, báo cáo viên phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, việc gắn tổ hòa giải với tuyên truyền viên đã đạt hiệu quả rất rõ nét, hạn chế được vi phạm trên địa bàn, an ninh trật tự được đảm bảo, giảm khiếu kiện, đơn thư, giảm mâu thuẫn trong nhân dân. Trong hoạt động định giá tài sản, quận đã phối hợp tốt giữa nội bộ hội đồng định giá tài sản với cơ quan điều tra, đảm bảo không phải thực hiện định giá lại tài sản. Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho rằng, hàng năm, quận và phường đã tiến hành rà soát các tủ sách pháp luật và việc kiến nghị chuyển đổi hình thức tủ sách điện tử thay thế cho tủ sách giấy là rất thiết thực và phù hợp với xu thế hiện nay.

Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam đề nghị quận Long Biên tiếp tục triển khai các hoạt động bổ trợ tư pháp theo hướng thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tủ sách pháp luật giấy cần được thay thế bằng tủ sách điện tử, sử dụng thư viện pháp luật điện tử để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp luật mới ban hành, hết hiệu lực…


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t