Xử lý chất thải: Nhiều biện pháp hiệu quả (11:02 11/12/2017)


HNP - Vào tháng 9/2017, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp nghe giải trình về việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành Hà Nội. HĐND TP đã có thông báo kết luận, đề nghị UBND TP thực hiện các nội dung sau giải trình, đến nay, nhiều vấn đề cơ bản đã được giải quyết có hiệu quả.

Về xử lý chất thải rắn, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát, bổ sung điều chỉnh điều chỉnh cục bộ quy hoạch “Xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, chủ yếu tập trung vào điều chỉnh bổ sung một số nhà máy xử lý chất thải rắn áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại như đốt rác phát điện tại Tả Thanh Oai; tăng công suất tại một số vị trí và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn độc hại tại Đông Anh và một số dự án trong danh mục được ưu tiên thực hiện theo quy hoạch của Thành phố.

Để đảm bảo thống nhất cơ quan đầu mối quản lý về công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, chất thải rắn thông thường, UBND Thành phố đã phân công, giao Sở Xây dựng thực hiện công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển xử lý rác thải, chất thải rắn thông thường trên địa bàn Thảnh phố từ ngày 01/01/2617.

Cùng với đó, UBND TP chỉ đạo đẩy mạnh công tác rà soát bổ sung quy trình công nghệ, định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích của Thành phố, trên cơ sở rà soát 9 quy trình, 10 định mức và 13 mã đơn giá ban hành kèm theo Quyết định số 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 của UBND Thành phố Hà Nội. Trong đó, bổ sung ban hành mới 4 hạng mục: Quy trình công nghệ quét hè phố, ngõ xóm bằng xe cơ giới; Quy trình công nghệ duy trì vệ sinh dải phân cách có cây xanh, công viên, vườn hoa hở...; Quy trình công nghệ duy trì nhà vệ sinh công cộng bằng gạch; Quy trình công nghệ duy trì nhà vệ sinh công cộng bằng thép.

Thành phố cũng thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các bãi đổ chất thải xây dựng (CTRXD) theo quy hoạch, tăng cường công nghệ tái chế rác xây dựng. Rà soát, các nội dung liên quan đến vị trí xây dựng, công nghệ sử dụng cho các Trạm trung chuyển, trạm tập kết và các Khu xử lý CTRXD và Sở Xây dựng đã đề xuất cập nhật, điều chỉnh trong báo cáo điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. UBND Thành phố đang tập trung chỉ đạo triển khai một số dự án trọng điểm như: dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (ước tính khối lượng phá dỡ khoảng 58.500m3), dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng (ước tính GPMB khoảng 2.400 hộ dân và 15 cơ quan, khối lượng CTRXD khoảng 150.000m3), dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Trong thời gian tới, việc phá dỡ để xây dựng cải tạo các nhà chung cư cũ (khoảng 28 Khu chung cư tập trung). Chất thải rắn xây dựng tại các dự án nêu trên sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ để xử lý, tái chế bằng các công nghệ tiên tiến như nghiền chất thải rắn xây dựng của các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, giữ vệ sinh môi trường, không phải đầu tư nhiều khu xử lý, giảm việc đổ trộm, trộn lẫn CTRXD với chất thải sinh hoạt.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của UBND Thành phố, một số đơn vị, doanh nghiệp đã mua máy móc thiết bị để thực hiện công nghệ mới như: Công ty cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội đã chủ động đầu tư dây chuyền thiết bị nghiền CTRXD của Đức và Cộng hòa Áo và đã thực hiện ứng dụng tại công trình đường Phạm Văn Đồng; Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) đang tiến hành hợp tác với Tập đoàn T&T đầu tư Hệ thống nghiền tái chế CTRXD bằng công nghệ và thiết bị của hãng Rubber master của Áo; Công ty cổ phần Đầu tư bê tông Bình Dương đã có dự án thực hiện.

Cùng với đó, đang triển khai dự án Khu xử lý, tái chế chất thải xây dựng theo hình thức xã hội hóa tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh và xã Phú Thị, huyện Gia Lâm bằng công nghệ xử lý hiện đại, nghiền và tái chế CTRXD, bùn thải thoát nước.

Ngoài ra, Thành phố đã bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung của xã với mức 200 triệu đồng/xã, cụ thể: Thường Tín 23 điểm, Phúc Thọ 37 điểm, Chương Mỹ 22 điểm, Ứng Hòa 25 điểm, Phú Xuyên 21 điểm, Ba Vì 11 điểm, Đan Phượng 16 điểm. UBND các huyện cũng tự đầu tư các điểm tập kết rác tại các xã, thị trấn đảm bảo lưu trữ được khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày. Về cơ bản, các điểm tập kết đã đáp ứng được việc lưu trữ rác thải sinh phát sinh tại địa bàn, xa khu dân cư.

Thành phố cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định. Trong 06 tháng đầu năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra tại 777 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 297 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 6 tỷ đồng. UBND các quận, huyện, thị xã đã thanh, kiểm tra 717 cơ sở và xử lý vi phạm hành chính 249 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 3,8 tỷ đồng.

Những kết quả trên cho thấy, việc giám sát và yêu cầu giải trình do HĐND TP tổ chức đã có tác dụng tích cực thúc đẩy việc tổ chức thực hiện của chính quyền thành phố, nhất là đối với các vấn đề dân sinh bức xúc, được cử tri ghi nhận.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t