Nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết: Vai trò của Thường trực HĐND (09:34 10/11/2017)


HNP - Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành 33 nghị quyết, các nghị quyết được ban hành đều đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục, thẩm quyền ban hành nghị quyết của HĐND. Có được kết quả đó là do Thường trực HĐND TP đã thường xuyên chú trọng nâng cao vai trò trong ban hành nghị quyết.

Để nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân. Theo Thường trực HĐND TP, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng là điều kiện hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân nói chung, trong việc ban hành Nghị quyết nói riêng. Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND báo cáo với Thường trực cấp ủy về nội dung kỳ họp, về các nghị quyết dự kiến ban hành, xin ý kiến về những vấn đề còn khó khăn vướng mắc hoặc có ý kiến khác nhau và xin ý kiến chỉ đạo, định hướng tại các kỳ họp của HĐND. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy đối với các nội dung kỳ họp.

Cùng với đó, Thường trực HĐND tổ chức tốt hoạt động giám sát của HĐND, chỉ đạo điều hòa phối hợp hoạt động giám sát của HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND để nắm bắt tình hình thực tiễn, những vấn đề nổi lên từ cơ sở để làm cơ sở cho việc lựa chọn, đề xuất nghị quyết ban hành. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND cũng phải chủ động phân công sớm các Ban trong việc chuẩn bị kỳ họp, để trên cơ sở đó các Ban tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát trên từng nội dung được phân công, tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung giám sát.

Thường trực HĐND chỉ đạo chuẩn bị báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết nghiêm túc theo đúng quy định của Luật. Xác định đúng những nội dung, lĩnh vực phải ban hành Nghị quyết. Thường trực HĐND chủ trì tổ chức Hội nghị với UBND, Ủy ban MTTQ để thống nhất các nội dung của kỳ họp. Các nghị quyết dự kiến ban hành phải đảm bảo đúng căn cứ pháp lý, sự cần thiết và khả thi trong tổ chức thực hiện và được đưa vào kế hoạch sớm, phân công cụ thể cho cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chuẩn bị và cơ quan phối hợp (nếu có), kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những nghị quyết đề xuất bổ sung muộn, thời gian chuẩn bị không bảo đảm và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ban hành.  Bên cạnh đó, các nghị quyết chuyên đề phải xuất phát từ yêu cầu thực tiển và điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, phải làm rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, đối tượng và mức độ tác động đến đối tượng, các nguồn lực, khả năng của địa phương bảo đảm nghị quyết được thực thi và những tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục ban hành Nghị quyết theo quy định của Luật. Chỉ đưa ra bàn tại kỳ họp những nội dung dự kiến trình HĐND đã được chuẩn bị chu đáo chất lượng, kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chuẩn bị chưa tốt. Trường hợp bổ sung hoặc rút nội dung nào khỏi chương trình ban hành nghị quyết đều phải có báo cáo giải trình để Thường trực HĐND xem xét quyết định. Đặc biệt đối với các Nghị quyết  quy phạm pháp luật phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phân công các Ban HĐND phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND để thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết theo lĩnh vực được phân công; chủ động tiến hành các hoạt động giám sát khảo sát để thu thập lấy thông tin thực tiễn liên quan đến lĩnh vực sẽ ban hành NQ chuyên đề. Đối với những vấn đề lớn, Thường trực HĐND có thể tổ chức khảo sát chuyên đề, những vấn đề liên quan định hướng đến số đông nhân dân thì giao MTTQ tổ chức phản biện để xin ý kiến các nhà khoa học và các đối tượng chịu sự tác động, làm cơ sở giúp các Ban thẩm tra đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, Thường trực HĐND tăng cường tổ chức các Hội nghị chuyên đề, học tập, trao đổi, bồi dưỡng và cung cấp thông tin cho các đại biểu để nâng cao ý thức, năng lực  và trình độ của đại biểu HĐND, đủ sức bàn thảo và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương trong phạm vi thẩm quyền. Trang bị máy tính và tập huấn cách truy cập tra cứu các tài liệu bằng bản mềm, giảm tài liệu bản giấy, hướng dẫn những tài liệu cần tra cứu có liên quan. Cung cấp thêm các tài liệu, văn bản có liên quan như các quy định văn bản của Trung ương, các ý kiến chuyên gia, ý kiến của nhân dân (nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp của nghị quyết), Thường trực HĐND gợi ý những nội dung cần tập trung sâu, sớm, cụ thể để các đại biểu tập trung suy nghĩ.

Sau khi ban hành Nghị quyết, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tăng cường giám sát, nắm bắt thông tin kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Chú trọng thông tin phản hồi của các cơ quan, cá nhân, tổ chức chịu tác động, để kịp thời chỉ đạo đôn đốc, điều chỉnh bổ sung hoặc bãi bỏ các qui định chưa phù hợp, bảo đảm các nghị quyết chuyên đề của HĐND phát huy tác dụng tích cực. Tổ chức giám sát, rà soát các nội dung đã ban hành nghị quyết nhưng không còn phù hợp với tình hình hình thực tế, chủ động yêu cầu UBND tỉnh bổ sung sửa đổi hay xây dựng chính sách mới trình HĐND hoặc kiến nghị HĐND điều chỉnh nội dung nghị quyết đảm bảo phát huy hiệu quả thiết thực.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t