Quản lý công tác thi hành án: Cần tăng cường tập huấn cho cán bộ cơ sở (21:11 31/10/2017)


HNP - Ngày 31/10, đoàn giám sát của Ban Pháp chế - HĐND TP, do đồng chí Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế làm Trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Quốc Oai và quận Thanh Xuân về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn.

Đoàn giám sát làm việc tại Công an quận Thanh Xuân


* Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Trưởng Công an huyện Quốc Oai Đinh Trung Dũng cho biết, từ 01/01/2016 đến ngày 31/8/2017, cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện đã tiếp nhận, lập hồ sơ để bàn giao UBND các xã, thị trấn quản lý, giám sát, giáo dục theo thẩm quyền đối với 140 đối tượng thi hành án, trong đó, đã lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo đối với 36 trường hợp và đề nghị miễn hoặc giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ đối với 14 trường hợp.

Đối với người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú, từ 01/01/2016 đến ngày 31/8/2017, cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện đã cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời hạn chấp hành án cho 169 trường hợp chấp hành xong án trên địa bàn huyện. Trong thời điểm thi hành, không nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến công tác thi hành án hình sự.

Tại buổi giám sát, huyện đã nêu lên nhiều khó khăn trong công tác thi hành án hình sự, trong đó, khó khăn lớn nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác này còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều công tác khác. Ngoài ra, chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác thi hành án hình còn khiêm tốn, đặc biệt là chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở được giao quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng chấp hành án tại địa phương chưa có nên chưa khích lệ được số cán bộ này chú trọng quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối tượng chấp hành án…

* Tại quận Thanh Xuân, theo báo cáo của Phó Trưởng Công an quận Bùi Văn Tiến, hiện, quận đang quản lý 111 bị án treo, 5 bị án cải tạo không giam giữ, 158 người chấp hành xong án phạt tù. Trong số người chấp hành xong án phạt tù, có 30 người có việc làm, 35 người có việc làm nhưng không ổn định, còn 93 người chưa có việc làm.  

Khó khăn mà quận Thanh Xuân nêu ra, đó là công tác thi hành án phạt tù tại địa phương chưa được sự quan tâm đúng mức, chưa đạt hiệu quả cao. Nhân thân là những người có trình độ học vấn thấp, không có việc làm hoặc không ổn định, quan hệ gia đình, xã hội phức tạp, do vậy, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện Luật thi hành án còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, chưa tạo được tiền đề để động viên các tầng lớp nhân dân và gia đình cùng tham gia vào công tác quản lý, giáo dục người có án phạt tù.

Kết luận buổi giám sát, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hoài Nam đã ghi nhận sự nghiêm túc của cơ quan thi hành án huyện Quốc Oai và quận Thanh Xuân, thể hiện ở sự tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý, công tác lập hồ sơ tốt, chặt chẽ, báo cáo nghiêm túc, bài bản. Tuy nhiên, Trưởng đoàn giám sát cũng chỉ ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm, khắc phục, đó là cần tập huấn, cầm tay chỉ việc cụ thể cho cán bộ cấp xã, vận động ban ngành đoàn thể, người có uy tín ở cơ sở cùng tham gia theo dõi, giám sát người chấp hành xong án, tránh kỳ thị để họ được hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cần phối kết hợp quản lý các đối tượng, giáo dục răn đe để các đối tượng không tái phạm ở nơi khác.

Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị các ngành liên quan của thành phố như Sở Tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án cần khẩn trương có hướng dẫn nội dung nhiệm vụ được thành phố giao trong công tác này, đặc biệt là đối với công tác xóa án tích.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t