Giám sát công tác quản lý các đối tượng thi hành án treo và chấp hành xong án phạt tù tại Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và Thường Tín (20:57 27/10/2017)


HNP - Ban Pháp chế HĐND TP vừa giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong án phạt tù tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và huyện Thường Tín.

Đoàn giám sát làm việc tại quận Nam Từ Liêm


* Tại quận Hai Bà Trưng, đoàn giám sát ghi nhận, thời gian qua, các cơ quan thi hành án hình sự quận đã phối hợp với chính quyền cơ sở bám sát quy định của nhà nước, nghiệp vụ của ngành thực hiện tốt quản lý tốt các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong án phạt tù ở địa bàn các phường. Trong đó, một số chuyên đề, mô hình hiệu quả như “Nâng cao công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng” ở phường Minh Khai; “Vận động các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương” ở phường Bạch Đằng… Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng ghi nhận công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn bởi chưa có kinh phí hỗ trợ cho những người đang tham gia hoạt động công tác tái hoà nhập cộng đồng tại cơ sở; việc quản lý di biến động của đối tượng có lúc chưa sát…

Đoàn giám sát đề nghị quận Hai Bà Trưng tiếp tục chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt công tác quản lý và hướng dẫn, hỗ trợ các phường thực hiện nhiệm vụ mở sổ sách theo dõi đối tượng, tái hoà nhập cộng đồng; các cơ quan thi hành án hình sự quận tham mưu, đề xuất chính sách về chế độ đãi ngộ phù hợp với những cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự tại địa phương. Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đề nghị các lực lượng thực hiện thi hành án hình sự quận Hai Bà Trưng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm quản lý công tác thi hành án, để thuận lợi cho việc thống kê, báo cáo phục vụ công tác quản lý đối tượng.

* Tại quận Nam Từ Liêm, đoàn giám sát đánh giá, dù quận mới thành lập, vẫn còn thiếu biên chế cán bộ cấp cơ sở, nhưng cơ quan thi hành án quận đã phối hợp với UBND các phường thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định về quản lý các đối tượng thi hành án ngoài xã hội; tổ chức mở sổ sách, phân loại đối tượng, phân công trách nhiệm quản lý đối tượng… Đặc biệt, trong quá trình quản lý đối tượng, một số vấn đề phát sinh đều được các cơ sở báo cáo kịp thời đến các cơ quan thi hành án của quận, giải quyết đúng trình tự.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng cho rằng, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở trên địa bàn quận Nam Từ Liêm vẫn chưa quan tâm đúng mức tới công tác thi hành án; việc quản lý di biến động của các đối tượng có nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến việc nắm bắt thông tin chưa kịp thời. Đoàn giám sát đề nghị thời gian tới, các cấp ủy quận Nam Từ Liêm tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đoàn thể chính trị xã hội phối hợp với các lực lượng chức năng bám sát địa bàn, đối tượng, quản lý tốt đối tượng tại cộng đồng; xây dựng, duy trì các mô hình vừa quản lý vừa giúp đỡ, tạo việc làm cho đối tượng để bảo đảm cuộc sống.

* Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Thường Tín có 289 đối tượng thi hành án treo, 63 đối tượng cải tạo không giam giữ và 356 đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Thời gian qua, các cơ quan thi hành án hình sự huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn tiếp nhận hồ sơ, quản lý các đối tượng; lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo; đề nghị miễn giảm thời hạn chấp hành cải tạo không giam giữ được thực hiện đúng quy định của Luật thi hành án.

Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín, Thượng tá Nguyễn Xuân Thọ cho biết, dù đã được quan tâm, song thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ này. Một số chính quyền cấp xã, thị trấn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo việc quản lý, giúp đỡ giám sát người chấp hành án tại địa phương; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia quản lý, giáo dục còn hạn chế về nội dung, tài liệu. Đặc biệt, các thủ tục giúp đỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí, có nơi còn phân biệt, kỳ thị, gây khó khăn; việc phân công theo dõi, quản lý, giúp đỡ người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, người chấp hành án tại địa phương nhiều khó khăn do chưa có chế độ, chính sách, dẫn đến hiệu quả không cao.

Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND thành phố ghi nhận, công tác quản lý các đối tượng thưc hiện thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong án phạt tù được các cấp, các ngành của huyện Thường Tín thực hiện nghiêm túc. Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị các cơ quan thi hành án hình sự huyện Thường Tín khẩn trương khắc phục hạn chế, đề xuất cơ chế, chính sách cho người quản lý các đối tượng ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân, tránh kỳ thị, nhất là các đối tượng đã thực hiện xong các bản án về địa phương tái hoà nhập cộng đồng.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t