Nợ bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào khắc phục


Bài 1: Con số báo động (11:36 15/10/2017)


HNP - Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP vừa kết thúc đợt giám sát chuyên đề về công tác thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Mới chỉ thực hiện giám sát tại 5 quận huyện và 1 đơn vị Bảo hiểm Xã hội TP, kết quả đã cho thấy con số nợ tiền bảo hiểm xã hội đến thời điểm này là rất lớn.

Đến hết tháng 7/2017, tổng số tiền nợ BHXH của toàn thành phố là 3.378 tỷ đồng (chiếm 10,1% kế hoạch thu). Tuy số tiền nợ BHXH giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có tỷ lệ nợ cao nhất cả nước. Trong đó có 23.955 doanh nghiệp nợ với số tiền 2.612 tỷ đồng (chiếm 77,3% tổng số nợ BHXH), ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 334.694 lao động.
Nợ BHXH lớn nhất cả nước

Đáng chú ý, trong số các quận, huyện thì Hoàng Mai là quận có số nợ BHXH cao nhất thành phố. Tính đến tháng 8/2017, tổng số nợ BHXH của các doanh nghiệp thuộc quận quản lý là trên 232 tỷ đồng, với 2.864 doanh nghiệp. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp có số nợ thuộc loại “khủng” như Công ty CP LILAMA Hà Nội nợ trên 9,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà nợ trên 3,7 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng công trình giao thông 810 nợ trên 9,3 tỷ đồng… Ngoài ra, do nợ BHXH nên có trường hợp tại Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà người lao động đã nghỉ hưu nhưng không chốt được sổ để hưởng chế độ hưu trí.

Tương tự, tại quận Hà Đông, tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp trên địa bàn quận cũng ở mức cao (16,5%), với 2.432 doanh nghiệp, số tiền nợ là 195,940 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến là Công ty cổ phần Sông Đà 6 nợ trên 5,4 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và phát triển CNC Minh Quân nợ trên 10 tỷ đồng; Công ty CP phát triển Công nghệ EPOSI nợ trên 1 tỷ đồng…

Tại quận Thanh Xuân, tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp trên địa bàn quận cũng rất lớn (13%), với 3.454 doanh nghiệp, tổng số tiền nợ trên 217 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số nợ lớn như Công ty CP LICOGI 13 nợ trên 3,4 tỷ đồng; HTX Thành Công nợ trên 4,4 tỷ đồng; Công ty Liên doanh công trình Hữu Nghị thuộc Tổng Công ty XDCT Giao thông 8 nợ trên 7,5 tỷ đồng. Đáng nói, tại Công ty Liên doanh công trình Hữu Nghị do Công ty còn nợ tiền BHXH nên có 4 trường hợp thai sản, 1 trường hợp tử tuất năm 2016 đến nay vẫn chưa được thanh toán các chế độ, gây thiệt thòi lớn cho người lao động.

Tại huyện Thanh Trì, tính đến hết tháng 8/2017, số tiền nợ BHXH là trên 91 tỷ đồng của 1.320 doanh nghiệp với 14.800 lao động. Trong đó, có 22 doanh nghiệp có số tiền nợ từ 500 triệu đồng trở lên với tổng số nợ 38 tỷ đồng, 566 doanh nghiệp có số tiền nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ trên 70 tỷ đồng. Đáng nói, có 159 đơn vị không có khả năng thu hồi nợ với số tiền trên 44 tỷ đồng. Trong số này, Công ty CP khóa Minh Khai nợ trên 5,8 tỷ đồng; Công ty CP Cơ khí và xây lắp số 7 (COMA7) nợ trên 13,3 tỷ đồng; Công ty TNHH TM SX C&H Vina nợ trên 1,7 tỷ đồng…

Nguyên nhân nợ lớn do đâu?

Lý giải về nguyên nhân nợ BHXH rất lớn, nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, các dự án do Công ty thực hiện đều từ nguồn vốn ngân sách như những công trình giao thông, cầu đường, tái định cư… mà vốn ngân sách thì thường chậm thanh toán nên không có tiền trả lương, trả BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, với số nợ lớn thì lãi chậm nộp cũng lớn và tăng rất nhanh chóng, nên số nợ ngày càng lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên công nhân thiếu việc làm, công ty thiếu vốn, sản xuất đình trệ, dẫn đến không có nguồn thu để trả lương và đóng BHXH cho nhân công.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp kinh phí thực sự khó khăn nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chây ỳ, cố tình nợ BHXH, sử dụng vốn này vào sản xuất kinh doanh để không phải vay lãi ngân hàng. Để giải quyết việc này, cần phải khởi kiện doanh nghiệp, nhưng vướng mắc là công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Về điều này, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng phòng Chính sách pháp luật của Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, theo Luật BHXH năm 2014, tổ chức công đoàn khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động thì phải có sự ủy quyền của người lao động, nhưng thực tế, người lao động trong doanh nghiệp muốn khởi kiện chủ doanh nghiệp cũng gặp khó khăn như có thể bị mất việc làm. Cùng với đó, hồ sơ khởi kiện có những quy định rất khó thực hiện như yêu cầu quyết định thành lập của công đoàn cơ sở, mà có những nơi được thành lập từ năm 1954 thì nay không có quyết định thành lập, như vậy thì tòa án không chấp nhận hồ sơ khởi kiện. Điều này khiến việc khởi kiện rất khó khăn và từ khi áp dụng Luật BHXH năm 2014 đến nay thì hầu như không khởi kiện được doanh nghiệp nào, dẫn đến nợ BHXH ngày càng tăng.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP Hà Nội, bên cạnh việc một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực sự khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thì vẫn còn một số doanh nghiệp chây ỳ, cố tình, trốn đóng BHXH, BHYT hoặc đóng không đúng số lao động thực tế đang làm việc. Mặt khác, việc xác định được địa chỉ, số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động trên địa bàn thành phố và số lao động thực tế đang sử dụng trong các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Dù BHXH thành phố tích cực, chủ động phối hợp với Cục Thuế Hà Nội cập nhật danh sách các doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trên địa bàn, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị tham gia BHXH và các đơn vị nợ BHXH phải trả nợ, nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia còn hạn chế và số nợ còn rất lớn…


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t