Giám sát công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử tại quận Hoàn Kiếm (17:06 23/08/2017)


HNP - Sáng 23/8, đoàn giám sát của HĐND TP đã làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận.

Trưởng Đoàn giám sát Trần Thế Cương kết luận buổi làm việc


Quận Hoàn Kiếm có 190 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích Cách mạng kháng chiến và các loại hình di tích khác, bao gồm: 66 đình, 39 đền, 15 chùa, 57 di tích CMKC và 13 loại hình di tích khác. Trong số này, có 67 di tích đã xếp hạng và có giá trị cần nghiên cứu bảo tồn. Trong đó đã có 46/84 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận xếp hạng, chiếm tỷ lệ 54,7% (01 di tích là Đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 39 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 06 di tích được xếp hạng cấp TP); 35/57 di tích cách mạng kháng chiến đã được gắn biển công nhận, chiếm tỷ lệ 61,4%. Các di tích  trên địa bàn quận có mật độ dày đặc, phong phú về loại hình, có nhiều giá trị tiêu biểu về văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo; có mật độ phân bố đều khắp ở 17/18 phường, trung bình mỗi phường có từ 8-10 di tích, nhiều phường có số di tích tập trung lớn như: Hàng Buồm, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Trống, Lý Thái Tổ có từ 15 đến 20 di tích, riêng phường Phúc Tân không có di tích.
 
Trong những năm qua công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận đã đuợc các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân quan tâm chăm lo, đạt được nhiều kết quả tốt. Đặc biệt từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đến nay, quận đã tập trung đầu tư và chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đẩy nhanh tiến độ việc di chuyển các hộ dân, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Theo đó, đã tập trung đầu tư trùng tu, tu bổ, tôn tạo quy mô lớn ở 23/46 di tích xếp hạng, các di tích có nhiều giá trị trong khu phố cổ; hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, di chuyển 134 hộ dân, 06 cơ quan đơn vị, ở trong 23 di tích xếp hạng, trả lại cảnh quan và góp phần tích cực trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn quận. Tiêu biểu như: Đền Bạch Mã, Đình Nam Hương, Đình Kim Ngân, Đền Quan Đế, Đình Yên Thái, Chùa cầu Đông - Đình Đức Môn, Quán - Chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, chùa Tiên Tích, Chùa Thiên Phúc..
 
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao cấp ủy đảng, chính quyền từ quận tới phường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, Hoàn Kiếm là quận có khoản thu ngân sách cao và bền vững, nhưng kinh phí dành cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa còn ở mức vừa phải; việc tu bổ các chùa trên địa bàn quận vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc xếp hạng, khoanh vùng các di tích lịch sử, văn hóa còn chậm; nhiều hộ dân vẫn còn sinh sống trong các khu di tích….
 
Đồng chí Trần Thế Cương đề nghị quận Hoàn Kiếm cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm kêu gọi người dân giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Làm tốt hơn nữa công tác kiểm kê, số hóa các di tích, đây cũng là cách đề chống “chảy máu cổ vật”. Tiếp tục xây dựng kế hoạch vận động quyên góp cũng như kêu gọi nguồn vốn XHH trong việc bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. 
 
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng đề nghị quận cần xử lý nghiêm hiện tượng mê tín, dị đoan, lợi dụng văn hóa tâm linh để trục lợi. Đồng thời quan tâm, lập hồ sơ các di tích còn lại trên địa bàn để thuận lợi trong quản lý, cũng như tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ tại các khu di tích, sư trụ trì tại các chùa, người trông nom các khu di tích lịch sử nhằm quản lý tốt hơn nữa các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t