Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ di tích (13:02 19/08/2017)


HNP - Ngày 18/8, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã làm việc với huyện Đông Anh và Gia Lâm về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Đông Anh


Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích được huyện Đông Anh đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Huyện ủy Đông Anh đã có Chương trình 09-CTr/HU về phát triển dịch vụ - du lịch, thương mại huyện Đông Anh giai đoạn 2011 - 2015 định hướng đến năm 2020 trong đó nội dung chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch. Huyện cũng ban hành 2 đề án về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa huyện Đông Anh giai đoạn 2011- 2015 và 2015 - 2020 trong đó tập trung việc kiểm kê khoa học đối với các di vật, đồ thờ, các lễ hội tiêu biểu trên địa bàn huyện.
 
Theo thống kê, hiện nay, huyện Đông Anh có 319 di tích, trong đó có 132 di tích đã được xếp hạng Quốc gia đặc biệt (1 di tích), di tích Quốc gia và di tích Thành phố; 187 di tích chưa được xếp hạng. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có 28 di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm sự kiện được UBND thành phố Quyết định gắn biển di tích.
 
Trong việc phân cấp quản lý, khu di tích Cổ Loa do Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội trực tiếp quản lý. Số di tích còn lại UBND huyện giao cho UBND các xã trực tiếp quản lý. Đối với các di tích đã xếp hạng hay chưa xếp hạng UBND huyện đều yêu cầu thành lập Ban quản lý di tích theo địa bàn thôn và hoạt động dưới sự chỉ đạo của xã và các cơ quan chuyên môn.
 
Theo thống kê từ năm 2006 - 2016 toàn huyện có 230 lượt di tích được tu bổ lớn, nhỏ với tổng số kinh phí 262 tỷ 951 triệu đồng, trong đó tiền ngân sách gần 122 tỷ đồng, kinh phí xã hội hóa trên 141 tỷ đồng. Hiện nay, huyện còn 25 di tích đình, chùa có tuổi đời hàng trăm năm, có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc nghệ thuật (các di tích đã được xếp hạng Quốc gia và Thành phố) đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có nguồn kinh phí tu bổ do nguồn kinh phí hạn hẹp.
 
Đoàn giám sát thăm Dự án tu bổ chùa Chài, Xã Võng La, huyện Đông Anh
 
Kết luận tại buổi giám sát, Trưởng ban VH-XH Trần Thế Cương chia sẻ với những hạn chế, khó khăn của huyện trong việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, các di tích trên địa bàn nhìn chung phân bổ chưa đồng đều; việc đầu tư tu bổ còn quá ít so với nhu cầu thực tiễn; nguồn kinh phí huy động trong nhân dân không nhiều; việc xin phép tu bổ di tích có quá nhiều thu tục, kéo dài thời gian xin phép ảnh hưởng đến tiến độ thi công; chưa có chế độ đãi ngộ cho những người trông nom trụ trì di tích; việc tổ chức lễ hội một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động của các Ban Quản lý di tích chưa đồng đều, người quản lý không có chuyên môn nghiệp vụ nên có lúc xử lý các công việc còn hạn chế; cán bộ cấp xã còn kiêm nhiều việc, ít người có chuyên ngành về quản lý di tích nên còn hạn chế về nhiều mặt, ảnh hưởng tới chất lượng công tác quản lý di tích.
 
Đồng chí Trần Thế Cương cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của huyện trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ di tích; tiếp tục tăng cường kiểm kê các di tích, quản lý chặt hiện vật của các di tích trên địa bàn; kêu gọi các nguồn lực XHH đầu tư tôn tạo các di tích, trong đó cần tận dụng các nguồn lực đang đầu tư, hoạt động trên địa bàn; có nguồn kinh phí hỗ trợ những người trông coi di tích. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, đặc biệt là tập huấn cho những người trông nom di tích, những người thổi hồn cho di tích; phát huy trách nhiệm của Ban quản lý các di tích…
 
* Theo thống kê, huyện Gia Lâm hiện có 317 di tích lịch sử văn hóa, công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích, trong đó có 91 chùa, 93 đình, 24 đền, 33 nhà thờ họ, 18 miếu, 15 nghè và 43 di tích thuộc các loại hình khác. Theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND thành phố Hà Nội tính đến 31/12/2015, trên địa bàn huyện Gia Lâm với tổng sổ 253 di tích; trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp Quốc gia Đặc biệt; 64 di tích xếp hạng cấp Bộ; 72 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 15 địa điểm được UBND thành phố ban hành Quyết định gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Đối với 253 di tích này được UBND huyện quản lý về mặt nhà nước. Các di tích khác không trong danh mục kiểm kê của Thành phố giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý theo quy định.
 
Nhằm tăng cường công tác quản lý di tích, quản lý hiện vật trong các di tích, 7 tháng đầu năm 2017 UBND Huyện Gia Lâm đã chỉ đạo Phòng Văn hóa & Thông tin phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm kê, phân loại và lập hồ sơ khoa học cho 37 di tích, nâng tổng số di tích đã được kiểm kê trên địa bàn huyện là 53 di tích. Qua đó, xác định niên đại tương đối, nguồn gốc xuất xứ, chất liệu cho từng hiện vật, nhóm hiện vật để từ đó lập hồ sơ khoa học đánh giá hiện trạng và có các hình thức bảo quản.
 
Đoàn đi khảo sát di tích Đình, Đền, Chùa Dương Đình
 
Trong công tác tu bổ, tôn tạo, UBND huyện đã và đang triển khai thực hiện, làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư án tu bổ, tôn tạo đối với 34 di tích xuống cấp trên địa bàn. Trong đó, đã hoàn thành 02 dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là Đình Kim Hồ - xã Lệ Chi; Khu di tích QGĐB Phù Đổng - xã Phù Đổng (giai đoạn 2). Huyện đang triển khai thực hiện 01 dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là Đình thôn Trung, xã Dương Hà. Tổng kinh phí thực hiện 03 dự án trên là 68.904 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Thành phố 28.343 triệu đồng. Huyện đã được phê duyệt đầu tư 03 dự án gồm: Đình Chử Xá (xã Văn Đức), Đình Thuận Tốn (xã Đa Tốn), Đình Trân Tảo (xã Phú Thị); dự kiến khởi công trong năm 2017 (tổng số vốn 68.955 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Thành phố 28.343 triệu đồng). Đã được phê duyệt chủ trương đầu tư 06 dự án với tổng mức đầu tư là 170.616 triệu đồng. Các dự án còn lại đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư.
 
 
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Trưởng đoàn giám sát Trần Thế Cương ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của huyện Gia Lâm trong công tác bảo tồn, duy tu và phát huy giá trị các di tích. Đồng chí nhấn mạnh, Gia Lâm đã thấy được tầm quan trọng trong việc bảo vệ các di tích, qua đó đã xây dựng được Đề án để thực hiện và được HĐND huyện thông qua, vì vậy, việc triển khai công tác khá bài bản và hiệu quả.
 
Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa việc bảo tồn, duy tu các di tích lịch sử văn hóa. Thành lập, kiện toàn các Ban quản lý các khu di tích. Xem xét hỗ trợ những người quản lý khu di tích. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho những người làm công tác quản lý tại các di tích. Bên cạnh đó, tăng cường công tác XHH trong việc bảo tồn, duy tu các di tích trên địa bàn…

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t