Hà Nội đã có nhiều cách làm tốt, cách làm hay trong tiếp xúc cử tri (21:29 08/08/2017)


HNP - Chiều 8/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh hội nghị


Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN và đồng chí Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn và đại diện thường trực UB MTTQ, thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã; lãnh đạo các sở, ngành Thành phố.
 
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525, những năm qua, Đoàn ĐBQH Thành phố đã thực hiện tốt trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp xúc cử tri; xây dựng đầy đủ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri chuyên đề, nơi công tác, nơi cư trú của ĐBQH; tổ chức để ĐBQH làm việc với Thường trực HĐND, UBND, ủy ban MTTQ và các cơ quan, tổ chức của Thành phố trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, báo cáo với cử tri kết quả hoạt động của đại biểu; thực hiện tốt việc thông báo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; thực hiện tốt công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã… 
 
Theo đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Chánh Văn phòng đoàn ĐBQH Thành phố, từ ngày 1/1/2013 đến ngày 1/7/2017, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức 502 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; 10 hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú; 8 hội nghị tiếp xúc cử tri nơi làm việc; 16 hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; 01 hội nghị tiếp xúc cử tri theo đối tượng và 04 hội nghị tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố do cá nhân đại biểu Quốc hội thực hiện. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri bằng cách phân công các ĐBQH tiếp xúc cử tri ở các đơn vị khác ngoài nơi ứng cử để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên địa bàn Thành phố. Các cuộc tiếp xúc này bước đầu đã được cử tri hoan nghênh, đánh giá cao.
 
Sau khi tiếp xúc cử tri, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được Văn phòng tổng hợp trung thực, đầy đủ, phân loại gửi cho các cơ quan của Trung ương và Thành phố xem xét giải quyết. Tính từ ngày 1/1/2013 đến ngày 30/6/2017, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã chuyển 573 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương và nhận được 478 ý kiến trả lời. Các ý kiến còn lại, tiếp tục được các Bộ, ngành trả lời và chuyển văn bản đến Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. Nhìn chung, việc trả lời kiến nghị của cử tri được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở Trung ương được đánh giá có tiến bộ, được cử tri và ĐBQH ghi nhận…
 
Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố, từ ngày 1/1/2013 đến 30/6/2017, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố đã chuyển hơn 1.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến UBND Thành phố, 100% ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được UBND Thành phố trả lời đầy đủ.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện thường trực UB MTTQ, HĐND các quận, huyện, thị xã đã phát biểu đồng tình với những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội. Đồng thời, nêu lên một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, như: Hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội còn hình thức, không đạt kết quả như mong muốn, gây tốn kém, lãng phí; Đại diện lãnh đạo UBND, các sở, ngành Thành phố và một số quận, huyện không tham dự đầy đủ các hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH, vì vậy không kịp thời tiếp thu, giải đáp, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri với các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương. Bên cạnh đó, công tác điều hành tại một số hội nghị tiếp xúc cử tri hiệu quả chưa cao, chưa định hướng để cử tri có ý kiến, kiến nghị vào những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, còn nhiều nội dung cử tri trình bày thuộc thẩm quyền của cơ sở…
 
Theo đó, các đại biểu kiến nghị các ĐBQH cần mở rộng, tăng cường đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri; cần có cơ chế tiếp xúc cử tri rõ ràng, chặt chẽ; hoàn thiện cơ chế về thành phần cử tri dự các hội nghị tiếp xúc bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khắc phục tình trạng cử tri đến hội nghị chỉ vì mục đích khiếu nại, tố cáo hoặc tình trạng cử tri chủ yếu là lãnh đạo hay cử tri “chuyên nghiệp”…
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao việc các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở những địa bàn khó khăn, phức tạp. Đồng thời, có nhiều đổi mới trong việc tiếp xúc cử tri, bước đầu được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cho rằng, việc tiếp xúc cử tri cần có quy định rõ ràng, cần bổ sung các hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri cụ thể; có báo cáo hình thức, phương thức, địa đểm tổ chức với cấp trên trước khi tổ chức tiếp xúc cử tri. Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cử đại diện tham dự, tiếp thu và giải quyết kiến nghị hài hòa và thực chất…
 
Kết luận tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đánh giá, sau 5 năm triển khai thực hiện , Đoàn ĐBQH Thành phố đã tích cực phối hợp với UBND Thành phố, Thành ủy, HĐND Thành phố, các Sở, ban, ngành thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 525. Khi thực hiện, Hà Nội đã có nhiều cách làm tốt, cách làm hay nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. 
 
Đồng tình với những tồn tại, hạn chế mà các đại biểu đã nêu tại Hội nghị, đồng chí cho rằng, trong khi chờ sửa đổi Nghị quyết thì các ĐBQH cần tiếp tục nhận thức đầy đủ, thấy rõ trách nhiệm trong tiếp xúc cử tri, chủ động xây dựng kế hoạch để có thời gian lắng nghe, truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, chủ động làm việc với chính quyền địa phương và tiếp tục có các hình thức tiếp xúc cử tri phong phú, hiệu quả. 
 
Cùng với đó, phải tập trung khắc phục các khâu còn yếu như thành phần cử tri chưa phong phú, thiếu tính đại diện; tiếp tục làm tốt công tác định hướng, tuyên truyền để cử tri đến dự bày tỏ những quan điểm mang tính vĩ mô, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, hạn chế những vấn đề thuộc cấp cơ sở vì trên thực tế vẫn còn ba cấp tiếp xúc cử tri: phường, xã, quận huyện và thành phố. Công tác điều hành cũng cần tập trung đổi mới tư duy theo nguyên tắc tập trung dân chủ…

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t