Cần ưu tiên hơn nữa cho giáo dục và đào tạo (21:29 27/06/2017)


HNP - HĐND TP vừa kết thúc đợt giám sát công tác triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của HĐND Thành phố, qua giám sát cho thấy, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến sự phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo của Thủ đô. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế cần được khắc phục kịp thời.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, toàn ngành hiện có 133.830 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học, trong đó, có 83.368 giáo viên công lập. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của Hà Nội đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp. Nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết đặt ra đến năm 2020 đã đạt và vượt (điển hình là: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp tiểu học đạt 63,6%, cấp THCS đạt 57,8%, tỷ lệ trường mầm non ứng dụng CNTT đạt 100%...), 100% quận, huyện, thị xã đã đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi (vượt trước 2 năm so với toàn quốc), đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, phổ cập THCS đạt 100%, phổ cập THPT đạt 91%; tỷ lệ học sinh học trường công lập cấp mầm non, tiểu học, THCS đạt 85%, học sinh khối THPT học trường công lập đạt 65%; hệ thống trường công lập đạt chuẩn quốc gia dẫn đầu cả nước với tỷ lệ 57,3%...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn rất nhiều tồn tại hạn chế cần được khắc phục. Đó là Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND không phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhiều quận, huyện, thị xã về diện tích đất/học sinh; số lớp/trường, số học sinh/lớp,... Chỉ tiêu giai đoạn 2012-2016 là xây mới 633 trường, tuy nhiên đến nay Thành phố xây dựng mới được 211 trường đạt 33%; một số xã, phường, thị trấn và một số khu đô thị chưa có trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS công lập theo chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Việc thực hiện quy hoạch trong đó dành quỹ đất để xây dựng trường ở một số nơi chưa đảm bảo tính khả thi; một số quận rất khó khăn trong quỹ đất xây dựng trường công lập nhưng lại phát triển hệ thống ngoài công lập nhiều hơn công lập; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp và xây dựng trường chuẩn Quốc gia; việc bố trí vốn thực hiện đầu tư cho giáo dục còn dàn trải; việc phân bổ giao dự toán ở một số đơn vị trong giai đoạn 2011-2016 chưa đảm bảo chỉ tiêu chi đầu tư cho giáo dục - đào tạo theo quy định của Thành phố.

Cùng với đó, chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia đối với cấp học mầm non và THPT chưa đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chênh lệch nhiều giữa các quận, huyện, thị xã; không đồng đều giữa các cấp (Mầm non 38,4%, tiểu học 63,6%, THCS 57,8%, THPT 44%). Một số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã quá 5 năm, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng chưa có kinh phí đầu tư dẫn đến việc công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia khó thực hiện, vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp ở một số huyện (nhất là cấp học mầm non); số lớp/trường, số học sinh/lớp ở một số phường, một số quận còn cao dẫn đến diện tích đất/học sinh thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tối thiểu theo quy định.

Qua giám sát, HĐND TP cũng nhận thấy, cơ cấu giáo viên không cân đối, còn thừa, thiếu cục bộ; chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn giữa các trường không đồng đều; tỷ lệ các cháu mầm non ra lớp so với mặt bằng chung của Thành phố còn thấp, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến trường toàn Thành phố đạt 37,2%, một số đơn vị tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến trường đạt rất thấp (Mê Linh đạt 28,7%, Sóc Sơn 16,9%, Chương Mỹ 18,9%, Ba Vì 21,7%); phần lớn các huyện ngoại thành chưa có trường công lập chất lượng cao.

Trước thực trạng đó, HĐND TP đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Trung ương và các ngành liên quan để Nghị quyết số 05 thực sự đi vào cuộc sống. Cụ thể, HĐND TP kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn các quận trung tâm thực hiện nghiêm túc Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ khi di dời cần thực hiện bàn giao quỹ nhà, đất của trụ sở cũ cho Thành phố quản lý để bố trí cho các công trình công cộng và ưu tiên bố trí quỹ nhà đất để đầu tư xây dựng các trường học theo quy định của Luật Thủ đô. Điều chỉnh bất cập xung đột giữa Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường nhằm tháo gỡ quy trình, thủ tục phê duyệt đầu tư công các công trình xây dựng trường học trên địa bàn Thành phố.

Đối với UBND Thành phố, cần chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát lại các quy hoạch hiện có liên quan đến giáo dục để cập nhật thống nhất, đề xuất điều chỉnh bổ sung những nội dung của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của các đơn vị, trình HĐND Thành phố xem xét tại kỳ họp theo quy định, tập trung vào một số chỉ tiêu sau: Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng; số học sinh/lớp; diện tích đất/học sinh (cấp quận, huyện); tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp; số trường công lập đạt chất lượng cao; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày (THCS)... Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm tải học sinh. Có quy định cụ thể cho các khu chung cư, khu đô thị cải tạo xây mới phải quy hoạch, xây dựng đủ trường học theo nhu cầu, trong đó ưu tiên quỹ đất cho xây dựng trường công lập; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác. Đối với các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, đề nghị UBND Thành phố thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

Bên cạnh đó, các sở, ngành Thành phố phải tiếp tục rà soát các chính sách của Thành phố liên quan đến chính sách phát triển giáo dục, những nội dung liên quan; những khó khăn, vướng mắc cần đề xuất để điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý để thực hiện; đề xuất các cơ chế chính sách chưa có, hoàn thiện các cơ chế chính sách cần bổ sung để phát triển giáo dục Thủ đô trong thời gian tới.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t