Kỹ năng thẩm tra tốt của Hội đồng nhân dân các cấp (16:06 26/06/2017)


HNP - Quy trình thẩm tra của HĐND các cấp đã được quy định rõ, song để có nhưng kỹ năng thẩm tra tốt, đáp ứng yêu cầu thì chưa phải nơi nào cũng làm được như mong muốn, nhất là đối với hoạt động HĐND cấp huyện, cấp xã. Hội nghị chuyên đề trao đổi về quy trình, kinh nghiệm, kỹ năng thẩm tra các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội thực hiện cuối tháng 5 vừa qua được đánh giá rất tích cực, trúng thời điểm chuẩn bị cho kỳ họp HĐND các cấp giữa năm 2017.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội truyền đạt kỹ năng thẩm tra về lĩnh vực Ngân sách - Tài chính


Hoạt động thẩm tra của HĐND có vai trò quan trọng trước mỗi kỳ họp và trách nhiệm này thuộc về các ban chuyên môn của HĐND từ thành phố đến cơ sở. Căn cứ nội dung kỳ họp, ở từng vấn đề, các ban sẽ đánh giá toàn diện, thể hiện rõ chính kiến của cơ quan thẩm tra trên cơ sở nhận định, phân tích, lý giải có căn cứ pháp lý, thực tiễn thuyết phục, để cung cấp thông tin đa chiều cho đại biểu HĐND thảo luận, quyết định tại kỳ họp. Theo Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thẩm tra. Đó là một số báo cáo, đề án của UBND gửi về Thường trực HĐND còn chậm thời gian so với yêu cầu, thậm chí có văn bản gửi sát ngày diễn ra kỳ họp làm cho công tác thẩm tra gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, thành viên các ban HĐND các cấp đa số là kiêm nhiệm, ít có chuyên gia am hiểu các lĩnh vực chuyên sâu, khả năng phản biện vấn đề của một số đại biểu hạn chế, đã ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Chu Văn Liên cho rằng: hoạt động thẩm tra ở HĐND cấp huyện, cấp xã thực tiễn chưa được thẳng thắn như ở cấp thành phố. Đối với cấp xã, ngoài năng lực, trình độ chuyên môn của thành viên ban HĐND không chuyên sâu, am hiểu lĩnh vực, thì một số nơi vẫn còn tình trạng ngại va chạm nên việc xem xét thẩm tra còn mang tính hình thức. Phó Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Tất Thanh cũng đồng tình rằng, việc nắm bắt, trao đổi thông tin giữa các ban HĐND với các phòng ban chuyên môn của UBND cấp huyện còn hạn chế. Có thời điểm, đại biểu HĐND chỉ nhận được văn bản tại cuộc họp, thời gian thẩm định ngắn, thậm chí có tài liệu còn chưa kịp đọc hết, nên câu chuyên thẩm định kỹ là khó khả thi. Ngoài ra, một số đại biểu tính chủ động chưa cao, tại các cuộc thẩm tra và thảo luận tại kỳ họp đã không phát biểu thể hiện chính kiến của mình, bởi vì còn e ngại.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai nhận định rằng: đối với HĐND cấp thành phố là cơ quan biệt lập với UBND, nên việc thẩm tra các báo cáo được phối hợp thực hiện ngay từ đầu, có thuận lợi hơn so với HĐND cấp huyện, cấp xã. Cái khó khăn hoạt động thẩm tra ở các quận, huyện, thị xã hiện nay là do chung cơ quan Văn phòng HĐND-UBND, vừa tham mưu xây dựng báo cáo, vừa tham mưu thẩm tra, nên nhiều khi yếu tố nể nang rất rõ, khó phản biện. Đơn cử như việc thẩm tra về dự toán, quyết toán thu chi ngân sách, cấp thành phố Ban Kinh tế - Ngân sách đã xây dựng cơ chế làm việc với cơ quan kiểm toán ngay từ đầu, tiếp cận thông tin sát thực, có như vậy việc báo cáo thẩm tra các đề án, dự án theo thẩm quyền mới trúng, giúp đại biểu nhìn thấy bức tranh chung để đưa ra quyết định thông qua hay không thông qua nghị quyết. Hiện tại, ở cấp huyện đang khó khăn thực hiện việc này. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được, việc này cần sự chủ động của các ban HĐND cấp huyện, xây dựng cơ chế thông tin, trao đổi với các cơ quan chuyên môn để phục vụ tốt công việc chung của cấp mình.

Nhiều đại biểu HĐND các quận, huyện, thị xã đều đồng tình cho rằng, để thẩm tra tốt, ngoài việc phối hợp với UBND chuyển tài liệu sớm để nghiên cứu, thì các ban cũng cần khảo sát chuyên đề lĩnh vực mà cử tri kiến nghị, dư luận bức xúc để nắm thông tin đa chiều. Các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của cơ quan soạn thảo và UBND cần gửi cho Thường trực và các ban HĐND đúng quy định. Theo các đại biểu HĐND quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Ba Vì, Hoài Đức… điều quan trọng hơn cả, để hoạt động thẩm tra tốt, mỗi đại biểu, thành viên các ban cần thể hiện trách nhiệm cao, vượt qua được ngưỡng không ngại va chạm, nể nang thì mới dám thẳng thắn phản biện trên cơ sở vì cái chung của địa phương.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương nêu kinh nghiệm, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan soạn thảo với các ban HĐND, để khi hoàn thành các dự thảo thì gửi ngay cho các ban HĐND cùng cấp để tổ chức thẩm tra sớm, tránh dồn ứ, sát thời điểm diễn ra kỳ họp mới gửi, gây ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra. “Kinh nghiệm thẩm tra tốt ở HĐND thành phố chính là dựa vào cơ chế phối hợp hoạt động giữa HĐND và UBND rất rõ ràng. UBND thành phố đều mời các Ban HĐND tham gia từ đầu cuộc họp của cơ quan soạn thảo, để chủ động theo dõi. Việc này đối với HĐND các quận, huyện, thị xã có thể triển khai áp dụng”. Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố nhấn mạnh.

Bà Hồ Thị Vân Nga, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho biết: nhiệm vụ của HĐND cấp huyện có nội dung thẩm tra việc phân bổ dự toán ngân sách cho địa phương và phê chuẩn quyết toán theo quy định của Luật. Đây là công việc khá phức tạp, đòi hỏi đại biểu phải có chuyên môn sâu, nghiên cứu các danh mục chi phải phân bổ đúng định mức, quyết toán đầy đủ hồ sơ báo cáo quyết toán. Bà Hồ Thị Vân Nga nhấn mạnh: “Thực tế trong hoạt động thẩm tra quyết toán ngân sách có nơi chưa quan tâm đúng mức, còn tâm lý “việc đã rồi”, giờ chỉ hoàn tất hồ sơ. Tuy nhiên quyết toán ngân sách là khâu cuối cùng của chu trình quản lý ngân sách, Ban kinh tế - xã hội HĐND cấp huyện cần quan tâm, lưu ý những hạn chế, bất cập nếu có để rút kinh nghiệm cho công tác thực hiện dự toán ngân sách các năm tiếp theo”.

Phó Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Tiến Thuận cho rằng: việc trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra rất trúng vào thời điểm hiện nay, khi mà HĐND các cấp đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm. Ngoài được nghe những kinh nghiệm, cách làm tốt, đại biểu HĐND cấp huyện còn nhận được tài liệu hướng dẫn quy trình, trình tự thẩm tra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, thường làm theo kinh nghiệm, nhưng nay đã có “cuốn cẩm nang” cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã trong hoạt động thẩm tra.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t