Đoàn khảo sát HĐND TP làm việc với Sở GD&ĐT về chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết (20:57 15/03/2017)


HNP - Kết thúc đợt khảo sát chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường học công lập trên địa bàn TP Hà Nội, chiều 15/3, đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, do Trưởng ban Trần Thế Cương dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội.

Trưởng đoàn khảo sát phát biểu kết luận tại buổi làm việc


Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, toàn Thành phố có hơn 1.000 trường ở các cấp học triển khai dạy học bổ trợ tiếng Anh theo chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường công lập trên địa bàn. Cụ thể, cấp Mầm non có 215 trường phối hợp với 12 Trung tâm ngoại ngữ tham gia chương trình; cấp Tiểu học có 652 trường phối hợp với 15 Trung tâm ngoại ngữ tham gia chương trình; cấp THCS có 145 trường phối hợp với 21 Trung tâm ngoại ngữ tham gia chương trình; cấp THPT có 38 trường phối hợp với 8 Trung tâm ngoại ngữ tham gia chương trình. 
 
Chương trình liên kết dạy bổ trợ, làm quen ngoại ngữ tại Hà Nội được xây dựng với mục tiêu khá rõ ràng, giúp học sinh làm quen với ngoại ngữ ở chương trình ngoại khóa với cấp Mầm non và Tiểu học khối lớp 1, 2, và dạy bổ trợ theo chương trình của Bộ GD&ĐT với cấp phổ thông. Đồng thời, kết hợp với đội ngũ giáo viên bản ngữ tạo môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh nhằm phát triển toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
 
Việc triển khai chương trình liên kết đồng hành với việc thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020 đã giúp đội ngũ giáo viên ngoại ngữ được nâng cao về phương pháp giảng dạy, chuyên môn nghiệp vụ. Cùng với đó, phát triển tốt khả năng giao tiếp cho học sinh Mầm non và Tiểu học. Đối với học sinh Trung học, kỹ năng nghe - nói được chú trọng kết hợp với việc phát triển đồng đều các kỹ năng khác. Học sinh Hà Nội đã có nhiều tiến bộ, số giải ở các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh các cấp tăng.
 
Ngoài những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai chương trình ngoại ngữ liên kết, do đó, Sở GD&ĐT đã đề xuất với HĐND và UBND TP Hà Nội cho phép các trường Mầm non và phổ thông tiếp tục tổ chức liên kết dạy và học ngoại ngữ theo các Quyết định và Kế hoạch đã đề ra theo tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Đặc biệt, tăng chỉ tiêu biên chế viên chức giáo viên dạy ngoại ngữ trong các trường Tiểu học để đảm bảo thực hiện dạy 4 tiết/tuần theo quy định trong Đề án của Bộ GD&ĐT.
 
Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Trần Thế Cương, qua đợt khảo sát tại một số trường học ở cấp Mầm non, Tiểu học và THCS thuộc 4 quận, huyện trên địa bàn Thành phố cùng 2 Trung tâm Ngoại ngữ liên kết với các trường, cho thấy rõ vai trò tham mưu và chỉ đạo hiệu quả của Sở GD&ĐT. Chất lượng dạy - học ngoại ngữ sau liên kết có nhiều chuyển biến đối với cả giáo viên và học sinh. Song, nhiều hạn chế cũng bộc lộ, về phía các trường là khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu, chỉ tiêu biên chế giáo viên thấp hơn so với Đề án, chưa đủ năng lực và nhân lực thẩm định bài kiểm tra của các Trung tâm; các Trung tâm chưa có giáo trình cụ thể bổ trợ cho chương trình chính khóa…
 
Cùng với việc ghi nhận những kiến nghị của Sở GD&ĐT, trưởng đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Trần Thế Cương đã đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc triển khai chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết tại các trường học trên địa bàn. Quy trách nhiệm cho Hiệu trưởng các trường. Bên cạnh đó, sớm có sự thống nhất mức thu học phí theo 2 hướng đại trà và chất lượng cao…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t