Hoạt động của HĐND các địa phương: Thuận lợi có - khó khăn cũng nhiều (21:03 16/03/2017)


HNP - Qua thực tiễn áp dụng Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, hoạt động của HĐND các cấp ở địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều thuận lợi, tăng cán bộ chuyên trách từ cấp huyện đến xã, cơ chế hoạt động quy định rõ hơn so với Luật cũ. Cũng chính việc nhiều điểm mới, áp dụng thực tiễn thời gian ngắn, tập huấn cũng chưa đều nên hoạt động cũng có phần khó khăn.

Huyện Chương Mỹ có địa giới hành chính rộng với 32 xã, thị trấn, nên ngay khi áp dụng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, huyện có nhiều thuận lợi tăng cán bộ chuyên trách. Theo Phó chủ tịch HĐND Chương Mỹ Nguyễn Đình Sỹ, cơ cấu Thường trực HĐND cấp huyện gồm chủ tịch, hai phó chủ tịch và trưởng các ban; cấp xã gồm chủ tịch, một phó chủ tịch, trong đó phó chủ tịch hoạt động chuyên trách đã giúp bộ máy chính quyền hoạt động tốt hơn trước.  Ngay sau ổn định bộ máy, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức bốn lớp tập huấn Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám giát của Quốc hội và HĐND cho 41 đại biểu HĐND huyện và 843 đại biểu HĐND xã, thị trấn. Ngoài ra, Thường trực HĐND huyện còn tập huấn một lớp dành cho thành viên thường trực, các ban HĐND cấp huyện và xã về kỹ năng hoạt động. Do vậy, khi triển khai hai luật trên cơ bản được thuận lợi, các đại biểu HĐND đã nắm được được vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; quyền và trách nhiệm của đại biểu trong hoạt động của mình theo quy định của Luật và rõ nhất là trong chức năng giám sát, thẩm tra giữa hai kỳ họp. Đây chính là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân ở địa phương.

Về hoạt động của HĐND cấp xã, Phó chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Việt cho biết, dù thời gian hoạt động theo Luật mới chưa nhiều, cũng có bỡ ngỡ, song hai ban chuyên môn của HĐND cấp phường (Ban pháp chế, Ban kinh tế- xã hội) trên địa bàn quận cũng hoạt động tích cực. Qua nắm bắt thực tiễn, cán bộ các ban liên tục học hỏi, nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, lĩnh vực được Luật quy định như: thẩm tra các tờ trình, báo cáo, dự thảo nghị quyết trước khi trình tại kỳ họp HĐND phường;  tham gia các cuộc giám sát chuyên đề với Thường trực HĐND phường và tổ chức giám sát, khảo sát thường xuyên các lĩnh vực phụ trách. Phó chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn cũng khẳng định: việc bố trí cán bộ chuyên trách cho bộ máy HĐND cấp xã từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay mang lại hiệu quả rõ nét so với trước. Toàn huyện có 46 cán bộ tham gia thường trực HĐND các xã, thị trấn, trong 35/46  đồng chí hoạt động chuyên trách; 12/23 xã, thị trấn có cả chủ tịch và phó chủ tịch hoạt động chuyên trách. Sau gần 1 năm hoạt động, HĐND các cơ sở đã đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Qua làm việc với Thường trực HĐND một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, họ đều đánh giá tích cực khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã có nhiều điểm mới so với Luật cũ 2003. Dù hơn trước, song không phải đã hết khó khăn, vướng mắc, trăn trở. Đại diện Thường trực HĐND quận Long Biên cho rằng, cũng vẫn còn nhiều đại biểu HĐND cấp quân, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn hoạt động kiêm nhiệm, nên không đầu tư thời gian thỏa đáng cho công tác dân cử, dẫn đến hoạt động không đồng đều. Nổi bật là các ban HĐND cấp phường, đều là cán bộ đoàn thể, kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND, nhất là đối với hoạt động giám sát, thẩm tra theo quy định của Luật mới. Nguyên nhân khi lựa chọn bầu đại biểu HĐND cấp quận và cấp phường vẫn còn nặng về tính cơ cấu, đại diện, dẫn đến chất lượng chưa đồng đều, một số ít đại biểu không phát biểu đóng góp ý kiến tại các kỳ họp HĐND.

Theo Phó Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Việt, hiện tại, vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đó là Luật chính quyền địa phương quy định tăng đại biểu hoạt động chuyên trách cho HĐND, nhưng Nghị quyết 39-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương thì không tăng biên chế và phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế. Do vậy, nếu phải tăng biên chế đại biểu chuyên trách của HĐND thì chắc chắn phải giảm biên chế của ngành khác. Bên cạnh đó, việc quy định về chức năng giám sát của tổ đại biểu HĐND là hoàn toàn mới, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về cơ chế giám sát của tổ đại biểu, nhằm tránh tình trạng chồng lấn, trùng lặp về thời gian, đối tượng chịu sự giám sát, đồng thời tránh việc một đại biểu phải tham gia nhiều đoàn giám sát của HĐND.

Ngoài những khó khăn trên, nhiều đại biểu HĐND các quận, huyện cũng phản ánh, hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND được quy định trong Luật tổ chức chính quyền năm 2015 và Luật Tiếp công dân là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai trong thời gian qua cho thấy hoạt động này không có hiệu quả và gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Bởi khác với hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân đòi hỏi đại biểu phải có nhiều kỹ năng hơn, bản lĩnh hơn; phải am hiểu pháp luật nhiều hơn để tiếp cận, tìm hiểu những nội dung cụ thể, chuyên sâu mới tiếp nhận vấn đề công dân phản ánh, phân loại hiệu quả, chuyên cơ quan chuyên môn đúng thẩm quyền. Vì vậy, HĐND các cấp thành phố Hà Nội cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu về kỹ năng tiếp công dân, đồng thời cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết để phục vụ đại biểu tiếp công dân. Đây cũng mắt xích quan trọng để đại biểu nắm bắt vấn đề một cách khách quan, ngoài các báo cáo của các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t