Sớm đổi mới mô hình quản lý chợ hiệu quả (08:44 21/03/2017)


HNP - Để nắm bắt thực trạng mô hình quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, qua đó tham mưu ban hành chính sách phù hợp, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã tổ chức đợt giám sát về lĩnh vực này đầu tháng 3/2017. Qua giám sát tại các chợ trên địa bàn 3 quận, huyện, thị xã: Hoàng Mai, Hoài Đức, Sơn Tây cho thấy, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm, quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai minh bạch nên dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về chợ; công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ vẫn chưa được quan tâm thường xuyên.

Chưa chuyên nghiệp trong quản lý khai thác

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Kiều Oanh: trên địa bàn quận có 15 chợ, nhưng có đến 4 mô hình quản lý (một chợ cấp thành phố, 4 chợ cấp quận, 4 chợ cấp phường, 6 chợ của hợp tác xã và doanh nghiệp). Tuy nhiên, hiện nay chợ Lĩnh Nam và chợ Thanh Trì không có hiệu quả, bởi tiến độ đầu tư xây dựng chậm, không thu hút tiểu thương vào kinh doanh. Ngoài triển khai xây dựng chậm, lý do không thu hút được tiểu thương chính là quy hoạch vị trí chợ không thuận lợi, tạo tâm lý ngại vào chợ mua bán.

Không chỉ ở quận Hoàng Mai, tại thị xã Sơn Tây cũng 13 chợ với 3 mô hình quản lý nhưng hiệu quả cũng rõ nét. Nhất là đối với chợ Nghệ được thành phố đầu tư, giao cho  UBND thị xã quản lý đang kém hiệu quả, lãng phí. Ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng Ban quản lý chợ Nghệ cho biết, việc bố trí, sắp xếp các ngành hàng trong chợ còn bấp cập, hiện ki ốt tầng 1 có có 4m2/quầy (quy định chợ hạng 1 tối thiểu 12m2), dẫn đến lấn chiếm không gian, lối đi phổ biến. Trong khi đó, hiện tại toàn bộ các ki ốt tầng 2 vẫn bỏ trống. Số tiểu thương kinh doanh ít, diện tích bỏ trống nhiều, nguồn thu hạn hẹp, thì Ban quản lý chợ có tận  89 cán bộ, nhân viên, dẫn đến mức thu nhập thấp, UBND thị xã Sơn Tây phải hỗ trợ thêm nguồn kinh phí thời gian qua.

Khác với thị xã Sơn Tây và quận Hoàng Mai, huyện Hoài Đức có 15 chợ hạng  3 nhưng đều thống nhất cấp xã quản lý, song cũng chưa hiệu quả, bởi cách thức quy hoạch, bố trí ngành hàng và công tác bảo đảm an ninh trật tự. Việc người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh vẫn tràn lan, tác động đến các hộ tiểu thương trong chợ buôn bán không mấy hiệu quả. Tại chợ Vân Canh, ki ốt trong chợ vẫn còn trống, nhưng ở bên ngoài đường lối vào chợ thì hàng quán bày bán tràn lan, gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức  Đỗ Đức Trung, việc này lấn chiếm vỉa hè vẫn được huyện chỉ đạo các xã giải tỏa, song cũng chưa triệt để. Thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã thực hiện kiên quyết, cùng với việc giải tỏa chợ tạm, chợ cóc để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự cảnh quan đô thị.

Cần lựa chọn mô hình quản lý phù hợp

Theo nhận định của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố còn nhiều bấp cập, hiệu quả thấp. Bí thư Quận Ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải ( thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách) cho rằng, việc quy hoạch chợ ở một số địa phương chưa phù hợp, dẫn tình trạng có chợ nhưng không tiểu thương kinh doanh không họp, nơi có nhu cầu  kinh doanh nhưng lại không có chợ, dẫn đến phát sinh chợ cóc, chợ tạm. Từ thực tế chợ Thanh Trì và chợ Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai hoạt động không hiệu quả, ông Đỗ Mạnh Hải đề xuất, việc quy hoạch phát triển chợ và xây dựng kế hoạch, tiêu chí theo hướng “chợ văn minh”. Đó là quy hoạch, sắp xếp phù hợp; công khai tiêu chí, quy định nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, tiểu thương trong chợ. Bí thư Quận ủy quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam (thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách) cũng cho rằng, hiện tại thành phố có nhiều mô hình quản lý chợ, nhưng không phải mô hình nào cũng hiệu quả. Vì thế, các địa phương cần rà soát, đánh giá cụ thể, mô hình nào phù hợp, hiệu quả thì triển khai, áp dụng. Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách  HĐND thành phố Hồ Vân Nga đề xuất: các địa phương cần nghiên cứu hoạch, chuyển đổi mô hình đầu tư phát triển chợ mang tính khả thi. Đối với các địa điểm đang có phương án phát triển  mô hình trung tâm thương mại kết hợp với chợ, thì cần nghiên cứu triển khai dựa trên thực tế địa bàn, tránh đi vào “vết xe” của một số quận sau khi xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh lại vắng vẻ cả người bán lẫn người mua, gây lãng phí.

Mong rằng, cùng với kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, quản lý các chợ chuyên nghiệp, chính quyền các cấp cần chỉ đạo các đơn vị quản lý sớm rà soát, xây dựng phương án bố trí ngành hàng, nội quy hoạch động phù hợp. Cùng với đảm bảo thực hiện đúng quy định trong công tác quản lý nhà nước về chợ về phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, chính quyền sở tại cần tăng cường chỉ đạo giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn, tránh việc thừa ki ốt trong chợ, mà vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, buôn bán.

Thành phố Hà Nội có 454 chợ, trong đó, 15 chợ hạng 1 (chiếm 0,3%), 65 chợ hạng 2 (chiếm 14,3%), 311 chợ hạng 3 (chiếm 68,5%) và 63 chợ chưa phân hạng (chiếm 13,8%). Trong tổng số 454 chợ thì có khoảng 102 chợ kiên cố (chiếm 22,4%); 224 chợ bán kiên cố (chiếm 49,3%); 128 chợ lán tạm (chiếm 28,1%). Tổng diện tích đất chợ trên toàn thành phố vào khoảng 1.700.000m2 (170ha), với tổng số khoảng 90.000 hộ kinh doanh.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t