Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (16:40 28/02/2018)


HNP - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU thực hiện nghị quyết số 20-NQ/TW "Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới".

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm; Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế trong tổng chi tiêu y tế giảm còn 35%; Tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 96% với 12 loại vắc xin. Giảm tỉ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 10,5%o; dưới 1 tuổi còn 10%o. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 13%. Tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 11,4%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167,5cm, nữ 156,5cm.

Phấn đấu 92% dân số được quản lý sức khỏe; 98% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện hiệu quả công tác dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 30 giường bệnh viện, 13,5 bác sĩ, 03 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân (bao gồm số giường bệnh và nhân lực của các bệnh viện tuyến Trung ương trực tiếp phục vụ nhân dân Hà Nội). Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 12%. Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 85%.

Đến năm 2030, tuổi thọ trung bình trên 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 98% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế trong tổng chi tiêu y tế giảm còn 30%; Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 96% với 14 loại vắc xin. Giảm tỉ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 10%o; dưới 1 tuổi còn 9,5%0. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 12%; khống chế tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 169cm, nữ 158cm.

Phấn đấu 98% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 32 giường bệnh viện, 14,2 bác sĩ, 3,2 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân (bao gồm số giường bệnh và số nhân lực của các bệnh viện tuyến Trung ương trực tiếp phục vụ nhân dân Hà Nội). Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 18%. Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 95%. Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

Giải pháp chủ yếu là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe như môi trường, thể dục, thể thao, văn hóa... vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng đơn vị trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trước hết là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn minh, vận động người dân Thủ đô tham gia bảo hiểm y tế và thực hiện các quy định về phòng dịch, phòng và chữa bệnh.Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về y tế và các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe nhân dân.

Xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người dân Thủ đô. Tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh, vệ sinh; xóa bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hướng dẫn, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho nhân dân phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Triển khai có hiệu quả các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em (ở các độ tuổi), người cao tuổi. Quan tâm các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, nâng cao sức khỏe, đặc biệt ở các xã có đồng bào dân tộc và khu vực xa trung tâm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý, thống kê số liệu dịch bệnh, tiêm chủng và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại Hà Nội. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian; tăng số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, sốt rét.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế. Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, theo dõi, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa.

Tăng cường các giải pháp đồng bộ, kiểm soát chất lượng thuốc nhập khẩu, nâng cao năng lực kiểm nghiệm thuốc, kiểm tra, giám sát chất lượng các thuốc lưu hành trên thị trường, phát hiện kịp thời thuốc giả, thuốc kém chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc của thuốc, giả bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc.

Có chính sách khuyến khích cán bộ y tế có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng xa trung tâm và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong, HIV/AIDS...

Xây dựng kế hoạch chuyển các bệnh viện công lập tự đảm bảo tự chủ về kinh phí thường xuyên, định hướng tự chủ hoàn toàn trong công tác triển khai kế hoạch chuyên môn. Tổ chức lại hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và cấp cứu ngoại viện đảm bảo đồng bộ, hiệu quả kết nối với hoạt động của Trung tâm Tiếp nhận, chuyển giao và xử lý thông tin cấp cứu nằm trong Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung của Thành phố.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t