Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch
Theo đó, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ; UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai một số nhiệm vụ:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch
Sở Du lịch chủ trì triển khai có hiệu quả, đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại các Kế hoạch: Số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020; số 287/KH-UBND ngày 30/11/2023; số 169/KH-UBND ngày 04/6/2024 và chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 1192/UBND-KTN ngày 23/02/2024 về việc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Đồng thời, chủ động cung cấp đầy đủ thông tin về Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch triển khai thực hiện đến các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các hiệp hội, tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố.
Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát các quy hoạch, dự án trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Thành phố, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch. Nghiên cứu bổ sung, cập nhật các nội dung của Quy hoạch hệ thống du lịch vào các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu trên địa bàn Thành phố.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố; chú trọng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý và lao động phục vụ tại các điểm đến du lịch. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, công nhận điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn Thành phố, bảo đảm đúng quy định của Luật Du lịch và các quy định pháp luật có liên quan.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành du lịch; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Số hóa dữ liệu về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; Xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch thành phố Hà Nội; Duy trì vận hành hệ thống quản lý dữ liệu ngành du lịch.
Xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện, lễ hội, chuỗi hoạt động du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đặc sắc. Triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm lớn, chuyên nghiệp tại các hội chợ du lịch quốc tế. Xây dựng các chiến dịch quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các kênh truyền hình, truyền thông trong nước và quốc tế.
Đẩy nhanh triển khai lập các quy hoạch về du lịch
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030, ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án hạ tầng giao thông kết nối và dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch; tham mưu tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, bổ sung, cập nhật các nội dung của Quy hoạch hệ thống du lịch, các dự án đầu tư du lịch vào các Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu trên địa bàn Thành phố.
Tham mưu, đề xuất UBND Thành phố đẩy nhanh triển khai lập các quy hoạch, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện đối với 03 khu vực được đưa vào Danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2030, gồm: Khu du lịch Ba Vì (huyện Ba Vì), khu du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm); đối với Khu du lịch cấp thành phố Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), huyện Mỹ Đức sẽ thực hiện theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bổ sung quy hoạch phát triển các tổ hợp lưu trú cao cấp 4-5 sao, quy mô lớn tại các vị trí trung tâm, ô đất đẹp, có giao thông thuận lợi, địa điểm thu hút khách du lịch.
Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với UBND quận Ba Đình, UBND quận Hai Bà Trưng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng chương trình cải tạo hệ thống các khu công viên, vườn hoa theo định hướng không gian mở, phát triển theo các chủ đề chuyên biệt. Trong đó, tập trung ưu tiên đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án cải tạo 03 công viên: Thống Nhất, Bách Thảo và Thủ Lệ.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố triển khai kế hoạch thu hút đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống bến cảng đường thủy hỗn hợp và cảng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đồng thời, ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt điện, mở rộng mạng lưới các tuyến buýt điện đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thành phố; xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn giao thông song ngữ Việt - Anh, nâng cấp nhà chờ xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.
Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai xây dựng các tuyến phố đi bộ kết hợp phố ẩm thực mới mang tính đặc sắc, hấp dẫn; đồng thời mở rộng không gian và nâng cao chất lượng dịch vụ đối với 09 tuyến phố đi bộ - phố ẩm thực hiện có.
Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư; yêu cầu nhà đầu tư tuân thủ đúng nội dung trong quyết định chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng đã được cấp. Kịp thời phát hiện, tham mưu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo quy định hiện hành.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND Thành phố rà soát, cập nhật các dự án đầu tư du lịch vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Chủ trì, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân định ranh giới các loại rừng, tạo điều kiện xây dựng và phát triển các sản phẩm, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị rừng theo quy hoạch. Phối hợp với Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các mô hình tại các địa phương.
Chủ trì, tham mưu UBND Thành phố tiếp tục rà soát, đôn đốc việc triển khai các dự án chậm tiến độ. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố thu hồi đất, chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các Đề án, Kế hoạch về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án về cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm.
Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu HĐND, UBND Thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Khu phát triển thương mại và văn hóa, Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa,... Phấn đấu triển khai thí điểm một số mô hình Khu phát triển thương mại và văn hóa, Trung tâm công nghiệp văn hóa tại các khu vực có tiềm năng, đủ điều kiện trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2025–2026.
Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo công trình, di tích lịch sử – văn hóa gắn với hoạt động khai thác và phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố.
Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai xây dựng và hình thành Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề theo Kế hoạch của UBND Thành phố. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thủ tục và tiến độ thu hút nhà đầu tư triển khai xây dựng 01 khu Outlet tại khu vực phía Bắc Thành phố trong năm 2025.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động đề xuất với UBND Thành phố giao nhiệm vụ lập các quy hoạch phân khu chức năng du lịch tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch của địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các địa điểm, khu vực có tiềm năng, đủ điều kiện để phát triển thành khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm của Thành phố trong giai đoạn tới.
Ưu tiên bố trí ngân sách cấp quận, huyện, thị xã để triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các điểm đến du lịch trọng điểm của địa phương, cũng như các chương trình tu bổ, sửa chữa, nâng cấp di sản, di tích lịch sử - văn hóa gắn với du lịch, phục vụ nhân dân và du khách theo quy định.
Tập trung triển khai, sớm hoàn thành và báo cáo UBND Thành phố phê duyệt các đề án, quy hoạch văn hóa, du lịch quan trọng trên địa bàn. Rà soát các điều kiện, tiêu chí và hướng dẫn các khu, điểm tham quan trên địa bàn hoàn thiện hồ sơ công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố, khu du lịch quốc gia theo quy định.
Tổng Công ty Du lịch Hà Nội có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.