Ảnh minh họa
Kế hoạch nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số theo quy định tại Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố; thực hiện quản lý vùng trồng đã được cấp mã số đúng quy định góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên cây trồng có tiềm năng xuất khẩu, đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Nội dung triển khai
1. Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn: Dự kiến tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý cấp xã, hợp tác xã,…khoảng 40 lớp, mỗi xã 2-3 lớp vào năm 2026; hàng năm tổ chức tập huấn về sản xuất an toàn, yêu cầu kỹ thuật nhằm phục vụ cho công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng cho các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất: Trung bình 130 lớp/năm và tuyên truyền khoảng 5 chuyên đề trên báo và phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình về sản xuất an toàn, yêu cầu kỹ thuật.
2. Kiểm tra, thẩm định hồ sơ cơ sở xin cấp mã số vùng trồng: Dự kiến mỗi năm kiểm tra, thẩm định khoảng 50 cơ sở xin cấp mã số vùng trồng.
3. Kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng: Kiểm tra và giám sát các cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2022 đến hạn và cả các vùng đã được cấp mã số phục vụ xuất khẩu.
4. Hỗ trợ cơ sở cấp mã số vùng trồng: Thành phố hỗ trợ theo quy định cho 50 mã số vùng trồng
5. Xây dựng vùng không nhiễm sinh vật gây hại gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu: Thiết lập vùng trồng; tập huấn cho nông dân trực tiếp sản xuất; lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; giám định sinh vật hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật; lấy mẫu đất, nước phấn tích điều kiện sản xuất; xây dựng kế hoạch điều tra, giám sát.
UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch. UBND các xã, phường có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu tập huấn, cấp mã số vùng trồng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn, hướng dẫn lập hồ sơ, kiểm tra sử dụng mã số vùng trồng và phối hợp trong lựa chọn, thực hiện hình thành và duy trì, phát triển các vùng không nhiễm sinh vật gây hại gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) gắn với thị trường tiêu thụ ổn định.
UBND Thành phố yêu cầu các nội dung hỗ trợ phải được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng và hiệu quả sử dụng kinh phí hỗ trợ, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong triển khai.
100% vùng trồng đã được cấp mã số được kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc sử dụng mã số vùng trồng đúng mục đích và hiệu quả; 100% các hộ nông dân tham gia sản xuất trong vùng trồng có nhu cầu cấp mã số được tham gia tập huấn về sản xuất an toàn, yêu cầu kỹ thuật và các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại trên một số cây trồng ưu tiên cấp mã số vùng trồng theo điều kiện cụ thể của từng địa phương; 100% vùng trồng đã được cấp mã số được kiểm soát sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các điều kiện đảm bảo đối với đất trồng và nước tưới đối với những vùng trồng có giấy chứng nhận VietGAP, An toàn thực phẩm,…đã hết hạn.
Đồng thời, hàng năm hình thành được (1-3) vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên một số cây trồng gắn với mã số vùng trồng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.