Quy chế quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn Thành phố gồm 8 Chương, 24 điều: Quy định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hòa giải viên lao động; quyền lợi và nghĩa vụ của hòa giải viên lao động đã được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm theo quy định của pháp luật; trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Áp dụng cho hòa giải viên lao động trên địa bàn Thành phố, Sở Nội vụ, UBND các xã, phường và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.
Về phân cấp quản lý: Sở Nội vụ quản lý doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên; UBND cấp xã quản lý doanh nghiệp dưới 1.000 lao động.
Về phạm vi hoạt động: Hòa giải viên lao động do Sở Nội vụ đề cử hoạt động thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp quản lý; hòa giải viên lao động hoạt động do cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực nội vụ thuộc UBND cấp xã đề cử thực hiện trên địa bàn quản lý theo phân cấp quản lý; trường hợp cần thiết, có thể phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn.
Tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm: Là công dân Việt Nam, đủ năng lực hành vi, sức khỏe tốt, có bằng đại học, 3 năm kinh nghiệm. Thực hiện theo Nghị định 129/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm được quy định: Hòa giải tranh chấp lao động, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Bồi dưỡng 5% lương tối thiểu vùng, công tác phí, tập huấn, khen thưởng, bảo vệ quyền lợi cá nhân. Tuân thủ pháp luật, không từ chối nhiệm vụ, báo cáo, tham gia tập huấn. Cơ quan cử hòa giải viên bảo đảm điều kiện làm việc. Chấp hành quy chế, hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
Quyết định này thay thế Quyết định số 1009/QĐ-UBND ngày 24/3/2022 của Chủ tịch UBND Thành phố ban hành "Quy chế quản lý hoà giải viên lao động".