Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau làm rõ thực tiễn đổi mới, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của công tác tiếp công dân trực tuyến. Đến nay, các cơ sở pháp lý cho việc tiếp công dân trực tuyến đã đầy đủ. Khó khăn nhất trong tiếp công dân trực tuyến là yêu cầu kỹ thuật, đòi hỏi tính đồng bộ, tương thích giữa các điểm cầu.
Hiện nay, đã có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tiếp công dân trực tuyến. Qua khảo sát cho thấy, việc áp dụng mô hình thí điểm thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện tốt nhất cho công dân, cho các cơ quan nhà nước về thời gian, chi phí tiếp công dân. Từ đó, thay đổi suy nghĩ, cách tiếp cận liên quan đến tiếp công dân theo hướng gắn bó và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, số vụ, lượt tiếp và số người được tiếp tăng lên. Các đơn vị, địa phương áp dụng mô hình đều khẳng định tính hiệu quả của mô hình mới này. Bên cạnh đó, qua trao đổi tại cấp xã, cấp huyện cũng cho thấy việc tiếp trực tuyến tạo thuận tiện cho cả đội ngũ cán bộ và người dân trong vấn đề sắp xếp thời gian, đi lại nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, khoảng cách địa lý lớn.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề xuất nghiên cứu thêm việc tiếp dân đối với những trường hợp tố cáo, địa điểm tiếp dân, đề xuất kiến nghị Thành ủy, UBND Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo về vấn đề này, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố về công tác tiếp công dân trực tuyến; hoàn thiện sớm cơ sở dữ liệu tiếp công dân; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan; quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Phạm Đình Thực, Phó Trưởng Ban tiếp công dân Thành phố cảm ơn 12 đại biểu với 78 ý kiến đóng góp rất phong phú, sâu sắc về cả cơ sở lý luận và thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai tiếp công dân trực tuyến. Đặc biệt, những gợi ý, gợi mở để hoàn thiện mô hình.
Thực hiện : Thu Trang - Minh Quốc