Quần thể di tích đền Sóc (16:39 27/02/2018)


HNP - Quần thể di tích lịch sử đền Sóc trải từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đền thờ đức Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Quần thể di tích gắn với lễ hội Gióng được UNESSCO công nhận là Di sản thế giới phi vật thể nhân loại năm 2010 - là một tài nguyên vô cùng quí giá cho việc phát triển du lịch văn hóa, tâm linh. 

Cổng vào quần thể Khu di tích đền Sóc


Đến với quần thể di tích đền Sóc, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp vừa cổ kính, thâm nghiêm, vừa thơ mộng, hữu tình của một vùng núi đồi bao la, thoáng đãng, bốn mùa cây cối xanh tươi. Các công trình kiến trúc có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung giá trị cho nhau bao gồm: đền Hạ, đền Mẫu, đền Thượng, chùa Đại Bi, nhà bia 8 mặt, Chùa Non Nước và tượng đài Thành Gióng. Quần thể di tích này gắn liền với với huyền thoại Thánh Gióng từ thuở hồng hoang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. 
 
Nằm ngay dưới chân núi Vệ Linh, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm, đền Trình (hay còn gọi là đền Hạ) mở đầu cho một thế giới linh thiêng, huyền bí. Bên trong đền còn lưu giữ những pho tượng cổ rất đẹp. Đặc biệt, trên gác đền có viền tường chạy theo hình bậc thang, lượn sóng với những hoạ tiết cầu kỳ, đẹp mắt. 
 
Đền Trình thờ sơn thần thổ địa, là các vị thần cai quản núi Sóc.
 
Theo tài liệu của Trung tâm quản lý Khu du lịch - Di tích đền Sóc Sơn, đền Trình thờ Quan thần linh, vị sơn thần duy nhất trên toàn cõi Việt Nam được phong vương. Truyền thuyết kể rằng khi Đỗ Thích giết hại vua Đinh Tiên Hoàng và Hoàng tử Đinh Liễn Đinh Toàn lên làm vua khi mới 6 tuổi; nhà Tống phương Bắc sang xâm lược nước ta. Trước vận hội đó, thái hậu Dương Vân Nga khoác lên người thập đạo tướng quân Lê Hoàn áo long bào cũng là chiến bào, ông lên làm vua, cầm quân đi dẹp giặc. Trên đường hành quân qua thung lũng Vệ Linh có miếu thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương rất linh thiêng đã dừng chân cùng quân lính lập đàn thờ, xin được đánh thắng giặc như Người. Ngày hôm sau hành quân đến sông Đà trời tối đen như mực, cát bụi bay mù mịt, giữa dòng sông nổi lên một vị thần với đôi mắt sáng rất xanh. Ông và quân lính quỳ xuống hỏi: Ngươi là ai? Vị thần trả lời: Ta là thần linh núi Sóc, vâng lệnh Đổng Thiên Vương giúp ngươi đánh giặc. Những ngày sau đánh đến đâu thắng đến đó, sau khi ca khúc khải hoàn trở về, biết lời cầu đã linh nghiệm, năm 980 ông đã cho xây dựng đền đài như ngày hôm nay và đúc tượng thần linh núi Sóc bằng đồng màu đen nặng gần 2 tấn thờ tại đền Hạ và phong cho ông là Thánh Thần Vương.
 
Bên cạnh đền Trình là chùa Đại Bi. Ngôi chùa nhỏ nhưng có kiến trúc độc đáo, từ mái vòm uốn cong hai đầu, đến những cánh cửa còn nguyên màu sơn son. Bên trong chùa treo nhiều hoành phi, câu đối lộng lẫy và uy nghiêm. 
 
Chùa Đại Bi nằm trong quần thể di tích đền Sóc
 
Theo tài liệu của Trung tâm quản lý Khu du lịch - Di tích đền Sóc Sơn, xưa kia, nơi đây sơn thủy hữu tình, phong cảnh yên bình, các vị cao tăng thường xuyên du ngoạn, Khuông Việt Quốc Sư Ngô Chân Lưu (933-1011) lập am để ở. Một đêm, ông nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, tướng mạo rất dễ sợ, bước đến gần nói rằng: "Ta là Tỳ Sa Môn thiên vương, những người theo ta là dạ xoa. Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết". Giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng huyên náo lòng rất lấy làm lạ, hôm sau vào núi, thấy một cây to, bên trên lại có mây xanh bao phủ trong lòng mừng thầm mới sai thợ đến cưa cây, đem khắc tượng như đã thấy trong mộng rồi lập am để thờ. Khuông Việt Quốc Sư đã đồng hóa hình tượng Tỳ Sa Môn Thiên Vương của Phật giáo vào hình tượng Thánh Gióng của văn hóa Việt để đưa Phật giáo thành quốc giáo thời bấy giờ. Ông đã giúp vua Lê Đại Hành lập đàn cầu Thánh Gióng giúp đánh thắng giặc và khi ca khúc khải hoàn trở về, ông là người giúp vua cho xây dựng đền đài như ngày hôm nay. Ngô Chân lưu là cháu đích tôn của Ngô Quyền, ông sớm quy y cửa Phật, là vị tăng đầu tiên được phong Tăng thống (971) và được Đinh Tiên Hoàng giao chấn hưng phật giáo Đại Việt, làm quốc sư cho 3 triều đại Đinh-Lê-Lý, ông có rất nhiều công lao với đất nước. Đến cuối đời, khi già yếu ông xin về núi Du Hý mở trường dạy học và viên tịch tại đó. Trên nền cơ Am nơi ông ở nhân dân địa phương xây dựng ngôi chùa đặt tên là Đại Bi Tự.
 
Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu - nơi thờ thân mẫu Thánh Gióng - gồm 3 gian, 2 nếp xây tường hồi bít đốc. Cảnh đền thanh tịnh, nghi ngút khói hương. Tương truyền rằng, khi giúp dân đánh giặc Ân, ca khúc khải hoàn, Thánh Gióng đã không trở về nhận vinh hoa phú quý, bổng lộc vua ban mà một người một ngựa chọn đỉnh núi Đá Chồng tại thung lũng Vệ Linh là nơi siêu thoạt về trời. Trước khi về trời, ông đã xuống ngựa quay về phương Nam nơi quê nhà có mẫu thân đang sống, quỳ lạy 3 lần tạ công ơn sinh thành của mẹ. Tại nơi ông quỳ lạy mẹ, Vua Hùng Vương thứ VI cùng nhân dân địa phương cho lập đền thờ mẫu thân, thể hiện truyền thống nhân văn của dân tộc Việt: khi ta sinh ra có mẹ bên cạnh ôm ấp, che chở; khi ta không còn trên cõi đời này nữa cũng là khi ta về với mẹ, mẹ luôn che chở, dìu dắt và luôn bên ta trong suốt cuộc đời. Trước cửa đền Mẫu có giếng Mẫu như bầu sữa nuôi ta khôn lớn; mặt nước phẳng lặng như tấm gương để ta soi, như ánh mắt của mẹ dõi theo ta suốt cuộc đời.
 
Đền Mẫu - nơi thờ thân mẫu Thánh Gióng
 
Đền Sóc (còn gọi là đền Thượng) thờ thượng đẳng phúc thần Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của văn hóa nước Việt, là biểu tượng của một dân tộc, có tinh thần tự chủ, yêu độc lập, chuộng hòa bình. Tương truyền rằng, khi đánh thắng giặc Ân, Thánh Gióng đã tìm đến thung lũng Vệ Linh cởi áo chiến bào khoác lên cây trầm hương, bỏ giáp sắt lưng chừng núi; một người, một ngựa bay về trời. Tưởng nhớ công ơn của Người, vua Hùng Vương thứ VI cùng nhân dân lập miếu thờ tại gốc cây trầm hương và phong ông là Phù Đổng Thiên Vương. Đến năm 980, Khuông Việt quốc sư được vua Lê ủy thác đã xây dựng đền đài như ngày hôm nay và từ gốc cây trầm hương cho tạc tượng Thánh Gióng. Tượng được thờ đứng, thể hiện sự hiên ngang, tinh thần bất khuất, anh dũng trước giặc ngoại xâm, thể hiện ý chí quật cường của một dân tộc độc lập, yêu tự do, muốn sống hòa bình làm bạn và bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới.
 
Đền Thượng thờ thượng đẳng phúc thần Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương
 
Đền Thượng mang đậm phong cách cổ của Phật giáo với kiến trúc theo kiểu chuôi vồ. Ngôi đền gồm 5 gian 2 chái, phía trong là hậu cung - nơi đặt tượng thờ Phù Đổng Thiên Vương, đôi ngựa gỗ tượng trưng cho ngựa sắt năm xưa Đức Thánh cưỡi để dẹp giặc Ân cùng tượng bốn vị quan đã từng phò giúp ngài.
 
Từ đền Sóc, tiếp tục leo lên đỉnh núi Vệ Linh ở độ cao 302m, du khách sẽ thấy tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, nặng 85 tấn, được hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tượng khắc họa hình ảnh Thánh Gióng tay cầm gậy tre, cưỡi trên lưng tuấn mã trong tư thế chuẩn bị bay vút lên trời xanh. Đứng ở vị trí này, Đức Thánh có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cõi đất Việt, trở thành vị thần "hộ quốc an dân" trường tồn cùng mảnh đất thiêng Thăng Long - Hà Nội.
 
Tượng đài Thánh Gióng - Thể hiện sự hiên ngang, tinh thần bất khuất, anh dũng trước giặc ngoại xâm
 
Lên đỉnh núi Vệ Linh, du khách còn có dịp ghé thăm nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm, được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến. Phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón, trông tựa như chiếc mũ sắt của Đức Thánh Gióng năm xưa. Đặc biệt, tại đây còn có bia đá ghi lại lịch sử hình thành đền Sóc và lễ hội đền Sóc, giúp du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc của quần thể di tích này.
 
Từ tượng đài Thánh Gióng đi xuống, du khách đến với Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự) là một trong những ngôi chùa cổ kính của Việt Nam với hơn 1000 năm tuổi. Được xây dựng từ thời Tiền Lê, ngôi chùa gắn liền với vị quốc sư đầu tiên của Việt Nam - Khuông Việt Đại Sư. Theo thuyết phong thủy, chùa được dựng trên thế long chầu hổ phục, nằm chính giữa dãy nũi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh và những xóm làng trù phú của xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
 
Tượng Phật Tổ Như Lai được đặt chính giữa Chùa Non Nước  
 
Năm 2002, chùa được xây dựng lại trên nền chùa cũ, theo kiến trúc chùa cổ gồm 7 gian 2 chái; họa tiết, hoa văn được trang trí cũng theo nguyên mẫu của thời Tiền Lê. Khuôn viên chùa rộng rãi, tôn nghiêm với phong cảnh hữu tình, thanh tịnh. Đặc biệt, chùa có pho tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối, nặng 30 tấn, cao 8,4m (tính cả bệ đá) đươc đặt chính giữa chùa. Bức tượng được đánh giá là một công trình nghệ thuật đặc sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của Việt Nam.
 
Thường niên, cứ vào ngày 6 đến ngày mồng 8 tháng giêng Âm lịch, nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung lại nô nức đi trẩy hội đền Gióng. Hội Gióng hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách về thăm mỗi năm để xem các lễ như: oản phẩm, voi chiến, cỏ voi, trầu cau, rước hương hoa, giò hoa tre, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc. cùng với đó là hàng loạt trò chơi mang đậm tính dân gian như thi đu, bắt vịt, đập niêu đất, hát quan họ, cờ bỏi; giải bóng chuyền hơi, ca múa tổng hợp; biểu diễn võ cổ truyền dân tộc…
 
Lễ hội Gióng khai mạc vào ngày 6 tháng giêng Âm lịch, tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội
 
Khu di tích lịch sử đền Sóc từ khi khởi dựng đến nay luôn được các thế hệ nhân dân huyện Sóc Sơn nói chung, xã Phù Linh nói riêng bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ với ý thức trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với những giá trị lịch sử và hiện vật còn lưu giữ được năm 1962, quần thể di tích đền Sóc đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đền Sóc không chỉ là quần thể di tích linh thiêng thờ vị thánh của dân tộc, mà còn là một khu du lịch văn hóa, tâm linh đặc biệt của Thủ đô. Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng di tích lịch sử đền Sóc là di tích Quốc gia đặc biệt.

Thu Hiền


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t