Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (14:33 28/08/2017)


HNP - “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, là nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam. Nơi đó còn thể hiện tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới.

Điệu múa Tung Tung - Za Zá truyền thống của đồng bào Cơ Tu, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam


“Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” tọa lạc trên một khu đất rộng tại Đồng Mô, nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50km về hướng Tây, được khởi công xây dựng năm 1997 theo Quyết định số 667/TTg ngày 21/8/1997 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký phê duyệt Quy hoạch tổng thể và nêu rõ tên dự án “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, khẳng định dự án phục vụ du lịch bằng hoạt động văn hóa, trên tổng diện tích 1.544ha. Bao gồm 7 khu chức năng: Khu các làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí hiện đại, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu dịch vụ du lịch tổng hợp và khu quản lý điều hành văn phòng. Trong đó:
 
Khu các làng dân tộc: Với diện tích gần 200ha, nằm giữa bán đảo phía Bắc của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Khu đất xây dựng có đồi cao, thung lũng, mặt nước, địa hình phong phú, thể hiện sự phân bố 4 cụm làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước. Khu các Làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm gìn giữ, phát triển và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
 
Khu di sản văn hóa thế giới: Với diện tích 46,50ha, đây là một quần thể tái hiện các công trình kiến trúc thu nhỏ như Vạn Lý Trường Thành, Effen, Kim tự tháp… và là một trung tâm hoạt động văn hóa sinh động giới thiệu di sản văn hóa đặc sắc của các nền văn minh trên thế giới.
 
Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí: Với diện tích 125,22ha, nằm ở trung tâm, địa hình đẹp, trải rộng trên những dải đồi xen lẫn mặt nước hồ Đồng Mô, kết nối với cổng chính và khu chức năng, đây là trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí đa chức năng nhưng mang đậm nét văn hóa dân tộc. Các hạng mục dự kiến gồm khu công viên (vườn thượng uyển, vườn chim, vườn bướm, thủy cung…); khu ẩm thực dân gian; khu ẩm thực hiện đại; trung tâm hoạt động thể thao; trung tâm nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe; trung tâm thương mại, dịch vụ; khu các trò chơi cảm giác mạnh; khu sân khấu, nhà hát, nhà trưng bày, phòng chiếu phim…
 
Khu dịch vụ, du lịch tổng hợp:Với diện tích 138,89ha, là khu phức hợp các dịch vụ du lịch tổng hợp, thể thao có quy mô lớn để khai thác có hiệu quả không gian cảnh quan tự nhiên, tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư phát triển.
 
Khu Công viên bến thuyền: Với diện tích 341,53ha gồm: 310,04ha phần mặt nước hồ Đồng Mô và 31,49ha mặt nước, đây là khu vực dịch vụ du lịch, nơi tổ chức các hoạt động tham quan, thể thao, du lịch, dịch vụ gắn với mặt nước hồ Đồng Mô và cổng B của Làng Văn hóa.
 
Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô: Với diện tích 600,9ha, đây là không gian cảnh quan, mặt nước hồ Đồng Mô có sử dụng khai thác phát triển một số hoạt động du lịch sinh thái phù hợp để tăng tính hấp dẫn của cảnh quan, cây xanh, mặt nước hồ Đồng Mô trên cơ sở đảm bảo môi trường và phát triển du lịch bền vững.
 
Khu quản lý điều hành văn phòng: Với diện tích 78,5ha, khu quản lý điều hành văn phòng gồm: Khu văn phòng, quản lý điều hành trung tâm; Khu nhà công vụ của cán bộ nhân viên Ban Quản lý; Nơi ăn ở của đồng bào các dân tộc trong cả nước tới tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa; Nơi đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan.
 
Hiện nay, khu các làng dân tộc đã được đưa vào hoạt động phục vụ du khách, 6 khu còn lại đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội xin giới thiệu một số điểm của cụm các làng dân tộc. 
 
Điểm tham quan đầu tiên, du khách đến với ngôi nhà dài của đồng bào Ê Đê (vùng Tây Nguyên) tham gia chương trình “Âm vang Tây Nguyên” với các tiết mục Tình ca Tây Nguyên, Nồng nàn cao nguyên... Đặc biệt, thưởng thức màn biểu diễn nhạc cụ dân tộc: tù và, đinh năm... do các nghệ nhân dân tộc Ê Đê biểu diễn.
 
Ngôi nhà dài của đồng bào Ê Đê (vùng Tây Nguyên)
 
Tiếp theo, trải nghiệm không gian văn hóa Nam Bộ, du khách thăm chùa Khmer tuyệt đẹp, với những tháp chùa lộng lẫy, linh thiêng. Ngôi chùa vừa mới khánh thành vào ngày 23/11/2013 phủ màu vàng lộng lẫy tọa lạc bên hồ nước Đồng Mô. Đây là chùa Khmer đầu tiên hiện diện trên đất thủ đô Hà Nội và là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông thứ 454 của cả nước, được xem như một điểm sáng về phục dựng những công trình kiến trúc mang nét đặc sắc. Chùa được khởi công vào ngày 16/01/2010 trên khu đất rộng 0,8ha, xây dựng theo nguyên mẫu chùa Kh’leang ở đồng bằng sông Cửu Long. Quần thể chùa gồm chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, chùa nhỏ, nhà sa la, cột cờ và ao sen. Mỗi công trình nằm ở cao độ khác nhau và liên kết với nhau bởi những dãy hành lang lát đá hòa nhập với cảnh quan xung quanh, bên ngoài bao bọc bởi hệ thống đường dạo len lỏi giữa vườn cây. 
 
Chùa Khmer tuyệt đẹp, với những tháp chùa lộng lẫy, linh thiêng
 
Chiêm ngưỡng ngôi chùa, du khách dễ dàng nhận thấy mọi tinh hoa kiến trúc tiêu biểu đặc trưng nhất của các ngôi chùa Khmer từ Nam Bộ đã tụ hội về đây, như: mái các công trình lợp ngói vẩy cá, các ngọn tháp, tượng nhỏ, họa tiết trang trí hoa lá, các vị thần có ảnh hưởng tới cuộc sống con người.
 
Rời chùa Khmer, du khách đến làng dân tộc Khmer. Tại đây, đoàn sẽ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống và hòa cùng điệu múa khỉ, múa chằn, lăm vông của người Khmer Nam Bộ. Trải nghiệm đi cầu khỉ. Sau đó, đoàn được thưởng thức ẩm thực và mua các sản vật tại điểm tham quan như: Bánh kẹo, dầu dừa, cá khô, cá lóc, bánh khọt, bánh xèo, đỗ đỏ cùng các sản vật quà lưu niệm khác.
 
Điệu múa chằn của người Khmer Nam Bộ
 
Tiếp theo, du khách chiêm ngưỡng quần thể Tháp Chăm được xây dựng theo nguyên mẫu của tháp PoKlongGarai Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1, bao gồm: Tháp chính Kalan cao hơn 20m, tháp cổng Gopura cao hơn 8m và tháp hỏa Kosaghra cao hơn 9m. Tháp trung tâm được xây bằng gạch, có bốn mặt hình vuông đối xứng nhau. Mặt trước hướng về phía đông, có cửa ra vào, ba mặt còn lại ở 3 hướng và có 3 cửa giả. Tháp có 3 tầng được cấu trúc như nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp. Tất cả thành phần kiến trúc đi vào mảng khối, vòm cửa thu vào và vút cao hình mũi giáo. Trên mặt tường các trụ ốp được tạo với những đường gờ nổi chạy dọc thân tường tháp, các góc được tạo những phiến đá điểm cách điệu. 
 
Quần thể Tháp Chăm được xây dựng theo nguyên mẫu của tháp PoKlongGarai Ninh Thuận
 
Ngoài ra, du khách có thể đi tham quan khu vực nhà mồ của dân tộc Gia Rai, nhà phục hồi nguyên trạng của dân tộc Chứt và nhà Rông là nơi sinh hoạt cộng đồng của một số dân tộc. Hòa chung với những lễ hội văn hóa truyền thống như: chợ vùng cao phía Bắc, lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam), lễ hội trỉa lúa của dân tộc B’râu (Kon Tum), lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), chợ nổi Nam Bộ - Cần Thơ... được tái hiện, là dịp để du khách tận hưởng không khí hội hè sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền đất nước.
 
Một điều đặc biệt ở làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là du khách khi đến đây sẽ được các “hướng dẫn viên” người dân tộc là chính các chủ thể văn hóa trực tiếp giới thiệu những nét đẹp truyền thống và hướng dẫn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt văn hóa của họ.
 
Với mục tiêu xây dựng “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” trở thành một Trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính Quốc gia, là điểm đến thân thiện, hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Làm được điều đó thì Ban Quản lý “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” phải lỗ lực rất nhiều. Cùng với đó cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, đầu tư về nhân lực, tài chính và có chính sách phù hợp, để giữ gìn và khơi dậy nền văn hóa du lịch địa phương góp phần đưa du lịch của Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khách du lịch nhiều hơn, nâng cao nguồn thu nhập từ du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch vào GDP của thành phố Hà Nội.

Thu Hiền


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t