Hà Nội là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất cả nước, có hệ sinh thái giáo dục và đào tạo phát triển đa dạng về loại hình, trình độ; chuyển biến tích cực về cơ cấu và chất lượng đào tạo; Hà Nội cũng đã tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, quản lý đô thị, du lịch, văn hóa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, Hà Nội rất quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đó là động lực quan trọng để phát triển. Đặc biệt, Hà Nội đã quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài... Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Hà Nội thực hiện 9 nhóm cơ chế chính sách về phát triển nguồn nhân lực, trong đó có thu hút nhân tài trong Luật Thủ đô, đưa Luật đi vào cuộc sống.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách giáo dục; thực hiện hiệu quả các chủ trương, đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bằng các chính sách ưu đãi phù hợp.
Thực hiện: Minh Thu - Minh Quốc